EU trước những chia rẽ mới
Thế giới - Ngày đăng : 06:37, 15/11/2016
Cuộc họp ngày 13-11 của các ngoại trưởng EU không đưa ra được kết quả cụ thể nào. |
Ngay khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, bầu không khí bối rối đã bao trùm Cựu lục địa. Không ít tờ báo đã dùng từ “sốc”, “bàng hoàng” để mô tả tâm lý của nhiều nhà lãnh đạo EU. Trong quá trình tranh cử, người sẽ đảm nhận vai trò Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ từng có nhiều tuyên bố tiêu cực về quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương khiến các lãnh đạo châu lục này không khỏi phiền lòng. Nổi bật nhất là việc nhà tài phiệt bất động sản cho rằng, Châu Âu đã quá dựa dẫm vào Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cần phải buộc các thành viên Châu Âu trong NATO chi nhiều tiền hơn cũng như Mỹ sẽ chỉ bảo vệ “có điều kiện” các đồng minh hoàn thành nghĩa vụ về tài chính.
Các tuyên bố gây "sốc" này của ông D.Trump là nguyên nhân khiến nhiều nhà phân tích cho rằng, việc ông đắc cử Tổng thống Mỹ là một tin tức xấu cho Châu Âu trong bối cảnh châu lục này đang suy yếu chưa từng có vì khủng hoảng kinh tế, đe dọa khủng bố, làn sóng tị nạn, sự “ra đi” của nước Anh và quan hệ căng thẳng với Nga. Bởi vậy, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini đã phải triệu tập phiên họp khẩn ở Brussels cuối tuần qua sau chiến thắng bất ngờ của tỷ phú New York.
Tuy nhiên, giữa lúc lẽ ra cần một sự thống nhất, hợp lực thì các thành viên EU lại cho thấy khó có thể tìm được một tiếng nói chung. Việc Ngoại trưởng Anh, Pháp và Hungary không tham dự cuộc họp ngay từ đầu đã phản ánh thực tế trong lòng “ngôi nhà chung” có quá nhiều “nhịp đập” khác biệt. Trong khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng, cần chấm dứt những than phiền về chiến thắng của ông D.Trump thì người đồng cấp của Pháp chọn ở nhà để đón nhân vật sẽ trở thành Tổng Thư ký mới của Liên hợp quốc. Ngoại trưởng Hungary cũng không đến Brussels vì cho rằng cuộc họp khẩn thể hiện sự hoang mang thái quá của các nhà lãnh đạo EU.
Sự chia rẽ cũng thể hiện thông qua những động thái được cho là không thống nhất. Phát biểu sau cuộc họp, bà Federica Mogherini tuyên bố, EU hướng tới hợp tác chặt chẽ với chính quyền mới của Mỹ. Ngoại trưởng các nước EU bày tỏ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với chính quyền mới và quyết định bắt đầu công việc này ngay sau quá trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ.
Tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao EU, việc ông D.Trump thắng cử tại Mỹ và việc Anh rời khỏi khối đã khiến các quan chức EU kêu gọi một cuộc cải tổ tổng thể đối với chính sách đối ngoại và quốc phòng của mình. Đức và Pháp muốn tăng cường hội nhập hơn nữa giữa các nước trong EU vì cho rằng nếu như Mỹ không muốn gắn kết với Châu Âu như trước đây nữa thì Châu Âu cần phải tự lo cho vấn đề an ninh của châu lục.
Theo đó, các thành viên phải tăng cường thêm khoản chi tiêu cho quốc phòng trong thời gian tới. Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker còn nhắc tới ý tưởng thành lập quân đội riêng của EU. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nước trong liên minh vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Hiện nhiều nguồn tin cho rằng, Pháp và Đức đang phối hợp với nhau nhằm tìm ra một chính sách đối với chính quyền của ông D.Trump trong khi Anh lại nỗ lực để duy trì vị thế là đồng minh chính của Mỹ tại Châu Âu.
Từ lúc đắc cử đến nay, dù đã lên tiếng trấn an các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia nhưng ông chủ Nhà Trắng tương lai chưa từng nhắc lại chính sách quan hệ với EU sẽ ra sao trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Mỹ luôn công nhận họ có lợi ích chiến lược sâu sắc trong một Châu Âu ổn định và an toàn. Vì vậy, việc thay đổi chính sách với một đồng minh quan trọng như EU không phải chuyện dễ dàng. Câu chuyện tại Brussels cuối tuần qua cho thấy, điều quan trọng là EU cần nỗ lực rất nhiều để tăng cường sự gắn kết nhằm đối phó với những thách thức tương lai.