Bộ Công thương chỉ ra những tồn tại trong quy trình xả lũ của thủy điện
Đời sống - Ngày đăng : 10:07, 15/11/2016
Ngày 15/11, trả lời chất vấn của ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) về việc xả lũ thủy điện An Khê Ka Nak và thủy điện Hố Hô gây thiện hại về tài sản, đặc biệt là về người, Bộ Trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, chúng ta không phát triển thủy điện bằng mọi giá, kể cả trong lĩnh vực năng lượng và lĩnh vực khác. Đây là quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Về cơ bản, chúng ta đã khai thác hết tiềm năng thủy điện lớn của đất nước, với các thủy điện nhỏ và vừa, Chính phủ đã căn cứ theo chỉ đạo của Quốc hội để xem xét, đánh giá lại và đưa ra khỏi quy hoạch những dự án không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng như ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân.
Để bảo đảm an toàn khi xả lũ, cũng như bảo đảm an toàn của các dự án thủy điện vào mùa mưa lũ, mỗi dự án phải hội đủ 3 thành tố quan trọng: Có phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ở địa phương do Chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm, các chủ đập, chủ thủy điện tham gia vào phương án đó; Có quy trình xả lũ cụ thể, rõ ràng: với đập, thủy điện có dung tích 1 triệu m3 trở lên do Bộ Công thương phê duyệt và quy định, dưới quy mô đó do lãnh đạo địa phương phê duyệt; Các chủ đập, thủy điện, doanh nghiệp đều tham gia cùng địa phương xây dựng phòng chống lũ ở hạ lưu và đảm bảo an toàn cho hạ lưu khi xả lũ. Phải có đủ 3 yếu tố này, các đập, thủy điện, các chủ dự án mới được cấp giấy phép đầu tư dự án.
Bộ trưởng khẳng định, thủy điện Hố Hô, An Khê Ka Nak đều phải đảm bảo các nguyên tắc và quy định của nhà nước trong lĩnh vực an toàn thủy điện và an toàn xả lũ mới được mới được cấp phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, thời gian qua, một số thủy điện khi xả lũ đã gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là thủy điện Hố Hô, An Khê Ka Nak.
Trong quá trình kiểm tra, đánh giá, Bộ Công thương nhận thấy việc xả lũ có một số vấn đề: Thứ nhất, việc chấp hành quy trình xả lũ đôi khi máy móc và nguyên tắc, ví dụ chủ hồ, chủ đập thủy điện phải thông báo chính quyền địa phương, đơn vị phòng chống lụt bão ở địa phương nhưng không nói rõ thông báo bằng hình thức nào, nên nhiều khi thông báo của chủ thủy điện không đến được đầy đủ các đối tượng cần được thông báo vì lý do mất điện hoặc đánh kẻng báo động nhưng không nghe thấy... Điều này chứng tỏ sự phối hợp không tốt.
Thứ hai, phương án phòng chống lụt bão, xả lũ có nhưng việc tổ chức diễn tập lại không được thực hiện ở các địa phương dẫn đến khi có sự cố xảy ra, việc thực hiện không bảo đảm hiệu quả, sự chủ động giữa chủ đập, chủ các dự án nhà máy và địa phương không được đảm bảo, thậm chí trong vụ việc xảy ra ở Hố Hô vừa qua, chủ đập đã gọi điện báo cáo nhưng không có người nghe máy nên một số địa phương ở hạ lưu không có thông tin.
Thứ ba, hệ thống quan trắc thủy điện không được bảo đảm, chưa có sự đầu tư và vận hành tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu theo dõi và phối hợp xả lũ.
Theo người đứng đầu ngành Công thương, thời gian tới, Bộ sẽ tổng kiểm tra đánh giá toàn bộ chất lượng quy trình xả lũ và các đối tượng tham gia phối hợp phòng chống lụt bão, đặc biệt là bảo đảm an toàn ở hạ du theo đúng quy định của nhà nước; đánh giá kiểm tra lại chất lượng hoạt động phòng chống lụt bão và bảo đảm an toàn thủy điện khi xả lũ tại địa phương, xem xét việc tổ chức tập huấn và làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia, kèm với đó là thực hiện nghiêm các chế tài, các DN nếu không thực hiện đầy đủ quy định có thể bị rút phép dự án; phân định rõ trách nhiệm chính quyền địa phương các cấp trong chủ động xây dựng phương án phòng chống lụt bão...
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Công thương, chất vấn lần hai, ĐB Trần Thị Dung xoáy sâu vào việc xả lũ bất ngờ khiến ngay cả lãnh đạo tỉnh cũng không biết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, việc xả lũ thủy điện Hố Hô đã được rà soát, kiểm tra, đánh giá thực tế và báo cáo Thủ tướng.
Theo Bộ trưởng, việc đồng chí bí thư tỉnh ủy không biết việc xả lũ vì chủ thủy điện chỉ báo cho Ủy ban phòng chống lụt bão địa phương. Thực tế, Ủy ban phòng chống lụt bão địa phương và phòng tìm kiếm cứu nạn là cơ quan đầu mối của chính quyền địa phương, chịu trách nhiệm trong việc điều hành các hoạt động về phòng chống lụt bão cũng như việc kiểm tra hoạt động xả lũ của thủy điện.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chủ thủy điện Hố Hô có báo lãnh đạo địa phương nhưng do có một số vấn đề về mất điện và hiện trạng thực tế nên thông tin không đến được đầy đủ chủ tịch các xã ở địa phương, một số xã không nghe điện thoại. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, về tổng thể, quy trình này có vấn đề. Để bảo đảm an toàn khi xả lũ, thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy trình xả lũ cũng như quy định pháp lý liên quan đến bảo đảm an toàn, phối hợp của địa phương khi thực hiện các hoạt động xả lũ của thủy điện.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) về việc Sóc Trăng có dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú bị chậm tiến độ đã nhiều năm, người đứng đầu Bộ Công thương cho biết, việc dự án chậm tiến độ có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, khi xác định làm rõ nguyên nhân, Bộ sẽ xem xét báo cáo.