Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải đáp các chất vấn "nóng" về ô nhiễm môi trường

Đời sống - Ngày đăng : 16:09, 15/11/2016

(HNMO) - Hàng loạt các chất vấn của đại biểu liên quan đến ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp... được đặt cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà tại  phiên chất vấn chiều nay (15/11).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà


ĐB Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) nêu thực trạng về ô nhiễm môi trường nông thôn nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân bởi rác thải sinh hoạt công nghiệp chưa được thu gom, xử lý, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống người dân.

ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cũng chỉ ra, ô nhiễm môi trường đang diễn ra nghiêm trọng ở cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, các khu đô thị. Tại kỳ họp thứ 3 QH khoá XIII, QH đã ban hành Nghị quyết số 30 ngày 21/6/2012 về chất vấn và trả lời chất vấn, giao Bộ TMMT có chương trình kế hoạch cụ thể tại các làng nghề, cụm làng nghề, lưu vực sông. Tuy nhiên, đến thời diểm này, tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục, thậm chí một số nơi còn có xu hướng gia tăng, đáng báo động.

Đồng tình với đánh giá của các ĐB, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, thực tế, các vùng ngoại thành và nông thôn chính là nơi chịu tác động rất mạnh mẽ của quá trình đô thị hoá và quá trình dịch chuyển công nghiệp ô nhiễm.

"Chúng ta đang nghĩ nông thôn là khu vực an lành, thanh bình, nhưng trên thực tế, hoạt động kinh tế ở đây rất sôi động, vấn đề môi trường đang âm thầm phát triển rất bức xúc, nóng bỏng. Ở nông thôn, các làng nghề, cụm công nghiệp ô nhiễm thường nằm xen với khu dân cư do công tác quy hoạch không tốt" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh)


Để xử lý môi trường ở nông thôn, các cụm công nghiệp, làng nghề, Bộ trưởng cho rằng cần xác định, phân biệt giữa nông thôn thuần nông với nông thôn ở ngoại thành và nông thôn đang trong quá trình đô thị hoá.

Bộ TNMT cũng như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đang phối hợp, khẩn trương đưa tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt quan tâm đến tiêu chí quy hoạch về hạ tầng nông thôn, quan tâm đến thu gom rác thải, giải quyết ô nhiễm môi trường.

Với môi trường nông thôn thuần nông, cần hướng dẫn người dân có nhận thức để mỗi gia đình có thể tự phân loại xử lý chất thải hữu cơ bình thường. Còn các chất thải như bao bì, chai lọ, thuốc trừ sâu bảo vệ thực vật... phải được kiểm soát như chất thải nguy hại, thu gom và xử lý theo đúng quy định.

Cùng với đó, thời gian tới, cần tính đến việc hướng dẫn người dân khi chăn nuôi nhỏ lẻ áp dụng mô hình công nghệ cho hộ gia đình như quy trình Biogas trong chăn nuôi. Trong chăn nuôi tập trung, cần quy hoạch ra khu vực riêng, có cơ chế quản lý từ nước thải cho đến chất thải rắn, chất thải nguy hại.

ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu)


ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa, Vũng Tàu) nêu: "Hiện nay có tình trạng phổ biến là khi xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường, không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm".

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, theo quy định về phân định quản lý nhà nước, quản lý ở cấp TƯ là Bộ TNMT; các bộ, ngành chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực theo chức năng được phân định; các địa phương quản lý toàn diện. Bởi vậy khi sự cố, vấn đề ô nhiễm xảy ra, trách nhiệm đã được gắn rất cụ thể.

"Có thể, việc phối hợp, quy định trong giải quyết vấn đề giữa trung ương và địa phương chưa thực sự rõ ràng. Sắp tới, chúng tôi sẽ phân cấp rõ hơn trách nhiệm cho địa phương, gắn trách nhiệm, tạo điều kiện về tổ chức bộ máy, thiết bị và nguồn lực để thực hiện. Việc kiểm soát môi trường tốt nhất chính là từ cơ quan quản lý ở địa phương" - Bộ trưởng thừa nhận và nêu giải pháp khắc phục.

Về vai trò của người dân trong giám sát môi trường mà ĐB Phạm Đình Cúc đề cập, Luật Bảo vệ môi trường và Hiến pháp đã ghi rõ người dân có quyền được sống, được hưởng môi trường trong lành. Thông tin về môi trường được cung cấp đến cho người dân. Tổ chức, cộng đồng và người dân có vai trò tham gia giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường cùng với nhà nước. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng tình với các đại biểu rằng, trên thực tế, người dân chưa dễ tiếp cận thông tin về môi trường. Khi người dân chưa biết, chưa bàn thì chưa thể đóng góp được. Do đó, cần phải có cơ chế đại diện cho người dân được giám sát, tham gia vào việc thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước.

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)


Về các sự cố  môi trường xảy ra trong quá trình tiến hành các dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, đây là một thực tế, bởi thời gian qua có nhiều bãi thải tiềm tàng nguy cơ với đời sống người dân. Việc xử lý triệt để khí thải, nước thải và đặc biệt là chất thải rắn trong khai thác khoáng sản là một vấn đề cần được quan tâm, thuộc trách nhiệm của Bộ TNMT trong việc phê duyệt quy hoạch, đánh giá môi trường, dự báo môi trường, xử lý môi trường...

Doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về triển khai phương án môi trường, đặc biệt là trong việc vận hành bãi thải cũng như phục hồi môi trường sau khai thác. Trong số 137 doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra với lượng xả thải trên 200m3, hơn 50% doanh nghiệp không chấp hành đầy đủ các quy định về đánh giá tác động môi trường. Điều đó cho thấy kỷ cương, kỷ luật, tính nghiêm minh chưa được thực hiện đầy đủ.

Liên quan đến chất vấn của ĐB Phạm Tất thắng (Vĩnh Long) về kịch bản trong trường hợp biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến sớm hơn dự kiến gây hạn hán, sụt lún, xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSCL), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ được Chính phủ giao thực hiện đề án quan trắc sụt lún ở TP HCM và ĐBCSCL, kịch bản đối phó với biến đổi khí hậu tính toán dựa trên nước biển dâng. Sau khi có kết quả ban đầu về độ sụt lún của từng vùng, trong kịch bản đối phó với biến đổi khí hậu gần đây nhất, Bộ đã cố gắng tích hợp việc đất sụt lún do quá trình kiến tạo địa chất hay do nhân sinh (con người sử dụng quá tải nước ngầm để sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản), kịch bản được công bố năm 2016 đã cập nhật thêm vấn đề trên. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ, theo dõi trong thời gian dài. 


Hạn hán, xâm ngập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐBSCL, ngoài nguyên nhân do thiên tai, cũng do "nhân tai", đặc biệt là việc xây dựng nhà máy thủy điện làm thay đổi dòng chảy. Về vấn đề này, trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) về giải pháp cụ thể cho từng vùng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, ĐBCSL, Bộ trưởng cho biết, vùng ĐBSCL đã được quy hoạch nhằm giải quyết vấn đề ngập lụt, quản lý nước, tích nước. Tại khu vực Nam Trung Bộ, khu vực này được Chính phủ ưu tiên phục hồi sinh thái rừng ngập mặn để chống bão lụt nên đây là vùng có nguy cơ thiếu nước, việc quy hoạch chú ý đến nguồn nước thông qua phát triển các hồ. Tây Nguyên cũng là vùng có nguy cơ thiếu nước do phát triển không bền vững nên  việc quan trắc kỹ nguồn nước đang được tính đến, cùng với đó, việc sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế cũng chú ý đến ứng dụng công nghệ cao.

Nhóm PV HNMO