Thị trường phân bón: Cần đưa về một bộ duy nhất quản lý
Kinh tế - Ngày đăng : 09:51, 15/11/2016
Ý kiến của đại biểu Võ Đình Tín (Đắc Nông) về quản lý nhà nước trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, cụ thể là mặt hàng phân bón giả, kém phẩm chất tồn tại với quy mô lớn, gây ảnh hưởng tới môi trường, đời sống kinh tế xã hội của đất nước, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường kinh doanh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, quy chế quản lý phân bón hiện nay ở Việt Nam đang có sự cắt khúc.
Đại biểu Võ Đình Tín (Đắc Nông) |
Thứ nhất, quản lý phân bón vô cơ được giao cho Bộ Công thương, còn quản lý phân bón hữu cơ được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, gồm cả khâu sản xuất, cấp phép sản xuất, kinh doanh... Do đó, sự quản lý nhà nước đã bị chồng chéo, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước thời gian vừa qua không được bảo đảm.
Thứ hai, hiện tồn tại quá nhiều loại phân bón trên thị trường (gồm 5.000 hợp quy cho phân bón hữu cơ và 5.700 hợp quy cho phân bón vô cơ). Bởi vậy, cơ quan quản lý nhà nước không có đủ điều kiện và nguồn lực để kiểm soát chất lượng, hàm lượng, định lượng của các loại phân bón này. Trên thực tế, phân bón giả thường có hàm lượng dưới 70% so với định lượng ghi trên bao bì, gây ảnh hưởng tới chất lượng mùa màng và môi trường khi được sử dụng.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất Chính phủ xem xét, giao trách nhiệm quản lý thị trường phân bón cho một bộ ngành duy nhất về quản lý nhà nước, các bộ ngành khác chỉ giữ vai trò phối hợp, đồng thời giới hạn số lượng sản phẩm phân bón trên thị trường. Bộ trưởng cho biết, các nước khác như Thái Lan cũng chỉ có hơn 100 loại phân bón được lưu hành.
Thứ ba, tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chống phân bón giả, phân bón lậu, đặc biệt là sự vào cuộc của các cơ quan quản lý thị trường, biên phòng, công an kinh tế.
Thứ tư, sớm xây dựng hạ tầng pháp lý, tiêu chuẩn, cơ sở, tạo điều kiện để phân bón phát triển bền vững. Bộ Công thương dự kiến đầu năm 2017 sẽ gửi Bộ Khoa học Công nghệ để thông qua 16 bộ quy chuẩn về vấn đề này.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cần có sự phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương để quản lý tận gốc hoạt động kinh doanh phân bón, không để những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Sĩ Cương (Ninh Thuận) về những sai phạm, vi phạm trong vấn đề cấp chuẩn phân bón, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận đây là một vấn đề có thật.
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) |
Sau khi có thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như thông tin đại chúng, Bộ đã tiến hành kiểm tra 2 đợt vào tháng 5, 6/2016, phát hiện 2 tổ chức có vi phạm về cấp chuẩn sản xuất phân bón và đã rút giấy phép của 2 tổ chức này. Bộ cũng đã chủ động giao cho các đơn vị thuộc bộ để kiểm soát các tổ chức xác nhận, tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật đối với cả phân bón vô cơ và hữu cơ.