Không né tránh những vấn đề “nóng”
Chính trị - Ngày đăng : 06:18, 16/11/2016
Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian chất vấn. Trong ảnh: Vận hành hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy Xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vừa mới khánh thành.Ảnh: Viết Thành |
5 dự án nghìn tỷ "đắp chiếu"
Trong phiên chất vấn buổi sáng, nội dung đánh giá tổng thể, phương án xử lý các siêu dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai để hoang hóa, lãng phí; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đã được nhiều ĐBQH tập trung chất vấn. Đặt câu hỏi đầu tiên, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm rõ về những sai phạm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả do Nhà nước đầu tư và Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý, những kiến nghị để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề cập đến 5 dự án cụ thể là gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học Dung Quất, xơ sợi Đình Vũ. Đây là những dự án có thời gian đầu tư dài, trong giai đoạn 2003 - 2008 đến nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thua lỗ tại các công trình trên nên để có đánh giá tổng thể rất khó. Nhưng điểm chung dẫn đến việc kém hiệu quả do trách nhiệm của chủ đầu tư trong phê duyệt, thẩm định; năng lực các ban quản lý dự án hạn chế...
ĐB Nguyễn Tiến Sinh tiếp tục chất vấn về tình trạng quản lý đầu tư của một số dự án, Bộ cho chủ trương, còn lại khoán trắng, buông lỏng cho doanh nghiệp tự quyết, tự tổ chức đầu tư, đến khi thua lỗ lại báo Chính phủ giải quyết. Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, những dự án này đã có quá trình thực hiện kéo dài từ lâu, từ thời điểm các tập đoàn, Tổng công ty 91 chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, không chỉ Bộ Công Thương, mà còn có Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán và hàng loạt cơ quan liên quan đều tham gia vào đánh giá tổng thể, toàn diện những dự án này với mục tiêu không chỉ là giải quyết triệt để các dự án, mà còn xem xét trách nhiệm, kiện toàn về mặt thể chế nhằm bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, không để tái diễn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, về giải pháp lâu dài, cần phải đổi mới phương thức quản lý, mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện khung khổ pháp lý (tăng cường phân cấp kèm hậu kiểm, quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể)…
Một vấn đề cũng được các ĐBQH quan tâm là phát triển thủy điện và thực hiện quy trình xả lũ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, quan điểm của Bộ là sẽ rà soát quy hoạch để loại bỏ các thủy điện nhỏ, không đạt yêu cầu vận hành. Bộ trưởng cũng cho biết, việc xả lũ được quy định rõ ràng, thủy điện trên 1 triệu mét khối nước do Bộ Công Thương phê duyệt quy trình, còn dưới mức đó do địa phương quyết định. Các thủy điện đều phải xây dựng phương án an toàn cho vùng hạ du. Về việc các thủy điện xả lũ trong thời gian qua gây ra bức xúc trong nhân dân, Bộ đã cử các đoàn kiểm tra và thấy rằng, quy trình xả lũ có nhưng việc chấp hành còn nhiều bất cập và sẽ được tổng kiểm tra trong thời gian tới. Nếu vi phạm pháp luật có thể rút phép các dự án thủy điện và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Cũng trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời, làm rõ một số vấn đề khác như: Giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế; kiểm soát kinh doanh đa cấp; quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; chính sách đột phá phát triển Ngành Ô tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước và các cam kết hội nhập quốc tế. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng phát biểu về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý phân bón của Ngành Nông nghiệp và xuất nhập khẩu nông sản.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Anh Trí chất vấn tại hội trường. Ảnh: Nhật Nam |
Môi trường - yếu tố quan trọng cho phát triển
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH với nhiều câu hỏi liên quan tới lĩnh vực xử lý rác thải, nước thải, sự cố môi trường… đặc biệt là xử lý sự cố môi trường do Công ty Formosa (Hà Tĩnh) gây ra.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) về cơ sở nào bảo đảm tính vững chắc của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa sẽ không gây ô nhiễm môi trường để tạo niềm tin cho nhân dân trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã thành lập một Hội đồng liên ngành gồm các nhà khoa học của các viện có uy tín trong cả nước để cùng xem xét và đánh giá đưa ra kế hoạch, yêu cầu phía doanh nghiệp phải có các biện pháp khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể. Theo Bộ trưởng, để kiểm soát tốt hơn, Bộ TN-MT đã thiết kế hệ thống giám sát môi trường biển ở 4 địa phương bị ảnh hưởng, có thể kiểm soát bùn thải, nước thải.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn gây bức xúc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận tình trạng này khi cho rằng, trách nhiệm trực tiếp và cụ thể là Bộ NN&PTNT và các bộ có liên quan. Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc Bộ TN-MT, Xây dựng, N&PTNT phải cùng khẩn trương đưa vào tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí về quy hoạch, hạ tầng nông thôn, trong đó, có các vấn đề về thiết bị thu gom, giải quyết vấn đề môi trường.
Còn đối với khu vực nông thôn thuần nông, phải quan tâm đến việc để mỗi gia đình có thể phân loại xử lý các chất thải hữu cơ bình thường, đối với chất thải như bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã được sử dụng thì phải kiểm soát như đối với chất thải nguy hại. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng mong muốn thời gian tới, cùng với việc quy hoạch chung về môi trường, cần tính toán ngay xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại theo cách thức xử lý có tính liên vùng...
Trả lời câu hỏi khi nào khắc phục được ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy và một số dòng sông. Bộ trưởng cho biết, 90% nước thải ra sông Nhuệ, sông Đáy là từ Hà Nội. Hà Nội đang tập trung xử lý được khoảng gần một nửa, nguồn vốn từ ngân sách, vốn ODA và của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa thiết tha tham gia khu vực này, chúng ta cần phải xem xét lựa chọn mô hình có thể khuyến khích được doanh nghiệp tham gia vào đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy, chuyển giao nếu cần thiết.
Theo Bộ trưởng, nếu có giải pháp phù hợp tháo gỡ về cơ chế huy động nguồn vốn thì 5 năm có thể xử lý được. Cùng với đó, chúng ta phải dần dần tiếp cận theo hướng là mọi người đã gây ô nhiễm thì phải trả tiền chi phí xử lý...
Hôm nay 16-11, Quốc hội sẽ tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.