Ra mắt tập thơ “Lời vàng trao con” của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký
Sách - Ngày đăng : 16:40, 17/11/2016
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký là nhân vật quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam. Trước khi có hiện tượng Nick Vujicic với những cuốn sách như “Cuộc sống không giới hạn”, “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”, thì nhiều thế hệ trẻ Việt Nam thập niên 80 – 90 đã được nuôi dưỡng và tiếp lửa ước mơ bởi tập hồi ký “Những năm tháng không quên” của người thầy giáo viết bằng hai chân Nguyễn Ngọc Ký. Những năm tháng không quên (sau này đổi tên thành "Tôi đi học") được viết vào năm 1970, đến nay vẫn là cuốn sách gối đầu giường của nhiều độc giả, là cuốn cảm nang sống mạnh mẽ và không ngừng khát vọng bất chấp nghịch cảnh cuộc đời.
Bìa sách "Lời vàng cho con" |
Vì vậy, khi bắt tay vào xây dựng tủ sách kỹ năng sống, Nhà sách Tân Việt đã tìm tới thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký để trao đổi ý tưởng về một tuyển tập thơ dành cho lứa tuổi học trò. Một biểu tượng sống đẹp và sống mạnh mẽ như thầy Ký, lại là một nhà thuyết trình về kỹ năng sống, một chuyên gia tư vấn tâm lý học đường trên tổng đài 1080, sẽ không thể thích hợp hơn để trở thành người trò chuyện về kĩ năng sống với các bạn trẻ bằng thơ. Tập thơ “Lời vàng trao con” đã ra đời từ cơ duyên đó.
“Lời vàng trao con” bao gồm 79 bài thơ được chia làm 7 chương: Biết yêu thương mọi người; Biết yêu thiên nhiên, đất nước; Biết học tập tốt, lao động tốt; Biết rèn các đức tính tốt; Biết giữ vệ sinh, an toàn, nền nếp, kỷ cương; Biết tránh xa thói xấu và Biết giao tiếp ứng xử. Phần lớn các bài thơ được viết theo lối lục bát hoặc thơ 5 chữ, với lời thơ giản dị, mộc mạc, dễ hiểu dễ nhớ và dễ ứng dụng trong trường học ở các lứa tuổi mầm non và thiếu niên nhi đồng.
Với kinh nghiệm của một nhà giáo đã có 1493 buổi thuyết trình về lẽ sống với thanh thiếu niên, thầy Nguyễn Ngọc Ký có một lối trò chuyện rất riêng trong tập sách này. Đó là những lời thơ gần gũi như lời tỉ tê, vừa có sự dí dỏm chiêm nghiệm của một người thầy 70 tuổi, vừa có sự trong trẻo hồn nhiên và tươi trẻ đến lạ thường. Sự trong trẻo hồn nhiên ấy khiến từng bài học không bị biến thành câu chữ giáo điều nặng tính dạy dỗ bề trên mà nhẹ nhàng thủ thỉ kiểu bạn bè rỉ tai nhau.
79 bài thơ của “Lời vàng trao con”, thì phần nhiều là những cuộc trò chuyện tỉ tê như thế, với thông điệp được giấu đi khéo léo nhưng vẫn dễ dàng cảm nhận thấy sau lớp vỏ ngôn từ dung dị. Bởi thế mà càng đọc càng thấy thích thú. Người đọc cũng không thấy “vấp”, thấy “sượng”, thấy khiên cưỡng khi tiếp nhận thông điệp ấy. Mà dạy bảo trẻ con, khó nhất chính là làm thế nào để chúng tiếp nhận bài học một cách tự nhiên, hay đúng hơn là để chúng tự tìm ra bài học sau những cuộc chuyện trò.
Có lẽ là một người say mê với sự nghiệp giáo dục trẻ nhỏ, nên những bài thơ hay nhất trong tập thơ dạy kĩ năng sống này chính là những bài dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Ở tuổi 70, thầy Ký thừa “lọc lõi” để “lừa” độc giả nhí rộng cửa tâm hồn, hân hoan đón nhận những bài học từ đơn giản nhất như giúp cha mẹ làm việc nhà đến yêu thương đồng cảm với loài vật. Thầy tự biến mình thành đứa trẻ để hân hoan với chúng:
“Cây hồng trước cửa/ Đang giữa mùa khô/ Thương cây mỗi sớm/ Bé làm trời mưa/ Mẹ cha bận việc/ Cửa nhà rác vương/ Bé làm cô Tấm/ Cửa nhà sạch luôn” (Bài Bé làm)
Thầy tự biến thành đứa trẻ để cùng nỗi thắc mắc, trăn trở đầy ưu tư hồn nhiên với chúng:
“Mèo hoa bị lạc mất con/ Em dành cơm trắng cá ngon trộn vào/ Em mời em dỗ thế nào/ Không ăn mèo cứ thét gào suốt đêm” (Bài Thương mèo hoa).
Rồi thầy tự biến thành đứa trẻ để “buôn chuyện”, kể xấu chúng, lén lút giấu vào bài học về sự thật thà một cách rất duyên:
“Có anh cu Tý nhà ta/ Vô tình làm vỡ bình hoa trên bàn/ Sợ mẹ mắng Tý vội vàng/ Đổ cho chú Mướp nhảy quàng đụng vô/ Mẹ liền ôm Tý nhỏ to/ Con ơi hãy nhớ sống cho thật thà/ Có lỗi chẳng chịu nhận ra/ Vu cho người khác thế là rất hư/ Tý liền ôm mẹ bi bô/ Bình hoa kia vỡ là do con mà” (Bài Thật thà).
Bút tích được biên bằng chân của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. |
Tuy nhiên, khi trò chuyện với lứa tuổi mới lớn, thầy Nguyễn Ngọc Ký lại có cách nói khác. Không còn ẩn ý, không còn cài cắm thông điệp mà sử dụng cách nói trực diện, thầy hóa thân thành người cha nói với con, chu đáo dặn dò con từ chuyện nhỏ nhất như dậy sớm, đúng giờ, cách ăn uống, cách sinh tồn khi giông sét... đến những chuyện lớn hơn như tránh gây bạo lực, tránh thờ ơ vô cảm, hành vi văn minh nơi công cộng... Lời lẽ chân tình, thủ thỉ, có minh chứng có lí giải mạch lạc để con nhìn thấu, hiểu thấu và biết cách hành động sao cho đúng đắn. Vì thế nên, dù những mệnh lệnh từ như “đừng” “hãy” được sử dụng nhiều lần hơn nhưng không làm cho cuộc trò chuyện bị nặng nề, áp đặt.
Ví như: “Chú gà trống thật ngoan ghê/ Sáng nào cũng dậy đúng khi đêm tàn/ Rồi cao giọng gáy vang vang/ Gọi cả xóm làng thức chào bình minh/ Lẽ nào con lại để mình/ Không bằng gà trống, cố tình ngủ dai” (Bài Biết dậy sớm).
Hay: “Thờ ơ vô cảm là người/ Sống như cục đá giữa trời bão giông/ Không cảm xúc, không tấm lòng/ Tâm hồn lạnh giá như đồng giữa băng/ Ai gặp khó, ai nguy nan/ Họ nhìn đôi mắt bàng quan hững hờ/ Ai kêu cứu, ai cậy nhờ/ Họ liền tìm cách tảng lờ tránh xa/ Ở đời trăm sự xảy ra/ Sống như thế đến quỷ ma khó gần/ Tìm đâu cho được người thân/ Gặp khi nguy biến muốn cần kêu ai?” (Bài Tránh thờ ơ vô cảm)
Những cuộc trò chuyện tâm tình như thế này có thể dễ dàng tìm thấy trong 7 chương của “Lời vàng trao con”. Dù là những vấn đề khó nói một cách lọt tai với những đứa trẻ tuổi ẩm ương, thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn tìm được lối khơi gợi tỉ tê thích hợp để trẻ chuyển từ tâm lý “phải nghe” sang “lắng nghe”, từ khiên cưỡng vâng dạ đến chủ động tiếp nhận. Đó là cái nghề của một người thầy đã dành cả đời đứng trên bục giảng và bục thuyết trình để truyền lửa cho thế hệ trẻ, giúp họ nhận diện cuộc sống, chia sẻ với họ về cách sống, tiếp cho họ nghị lực sống.
Chắc hẳn là nhiều người cũng biết, hơn 4 năm qua, thầy Nguyễn Ngọc Ký không còn khỏe mạnh. Mỗi tuần thầy đều đặn vào viện chạy thận ba lần. Ấy vậy mà thầy vẫn lạc quan, vẫn viết sách, vẫn đi giao lưu diễn thuyết. Mọi chướng ngại, trắc trở, khó khăn của cuộc sống với thầy chỉ như là lửa thử vàng mà thôi. Chất sống vàng mười ấy mà nói về kỹ năng sống thì lẽ nào lại sáo rỗng được.