Bài cuối: Biến quyết tâm thành hành động
Chính trị - Ngày đăng : 07:09, 17/11/2016
Cử tri mong muốn Nghị quyết của Đảng sẽ sớm được triển khai, phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Ảnh: Bá hoạt |
Trao đổi với Báo Hànộimới ngày 16-11, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, điều quan trọng nhất hiện nay là cần nhanh chóng biến quyết tâm chính trị thành những hành động cụ thể. Báo Hànộimới xin giới thiệu một số ý kiến.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội:
Đoàn kết, phát huy năng lực của các tầng lớp phụ nữ
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ như một luồng sinh khí mới thổi bùng nhiệt huyết cách mạng trong các tầng lớp cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Là một tổ chức chính trị - xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, với số lượng cán bộ, hội viên đông (791 cơ sở hội, 852.141 hội viên), Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết. Các cấp Hội sẽ đoàn kết, vận động các tầng lớp phụ nữ phát huy tiềm năng, trí tuệ nâng cao trình độ, năng lực mọi mặt của hội viên phụ nữ, tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng người phụ nữ Thủ đô trung hậu - sáng tạo - đảm đang - thanh lịch, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng chương trình hành động thực hiện và triển khai học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ hội viên, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc nắm bắt và phản ánh tư tưởng của cán bộ, hội viên phụ nữ, thông tin dư luận qua các kênh, tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.
Chúng tôi cũng sẽ rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định, quy chế làm việc của Ban Chấp hành, cơ quan chuyên trách, của Đảng ủy và các chi bộ bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi trách nhiệm cơ chế hoạt động; cải tiến cách thức chỉ đạo trong hệ thống Hội theo hướng tăng cường các hoạt động tại cơ sở; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng môi trường làm việc khoa học, chuyên nghiệp... Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, kịp thời phát hiện và tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên nếu có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Hội.
Hội tiếp tục thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách; chủ động tham mưu, đề xuất các cơ chế và chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội:
Phát huy cao độ vai trò làm chủ của nhân dân
Việc Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) hết sức có ý nghĩa, được cán bộ, đảng viên và nhân dân mong đợi, kỳ vọng. Nội dung của Nghị quyết rất sát, đúng, toàn diện có trọng tâm, trọng điểm. Vấn đề đặt ra là đưa Nghị quyết sớm vào cuộc sống, phát huy tác dụng. Sau một thời gian thực hiện, Nghị quyết phải góp phần khắc phục căn bản những hạn chế, yếu kém trong Đảng, làm cho Đảng ta mạnh hơn, có uy tín cao hơn và được nhân dân tin yêu.
Trong các nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết, tôi rất quan tâm đến nhóm giải pháp về phát huy vai trò của nhân dân và MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Vì Đảng ta là Đảng của nhân dân, Đảng thống nhất lợi ích với nhân dân. Trước hết, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức đầy đủ vai trò, nội dung của việc nhân dân tham gia thực hiện Nghị quyết. Người dân phải được thường xuyên tham gia góp ý cho Đảng bằng nhiều hình thức khác nhau.
Đảng viên phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân nơi cư trú; việc lấy ý kiến của chi ủy chi bộ và Ban công tác mặt trận nơi đảng viên cư trú phải được thực hiện nghiêm túc. Cần quy định việc niêm yết bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, thực hiện công khai cả ở nơi cư trú, vì hơn ai hết, công dân nơi cư trú biết rõ hoàn cảnh, tài sản của cán bộ, đảng viên cần kiểm tra làm rõ, có kết luận cụ thể. Phải phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội; thực hiện rộng rãi thường xuyên việc đối thoại giữa bí thư cấp ủy với nhân dân...
Đại biểu Quốc hội, với vai trò là người đại diện của nhân dân, sẽ tham gia thực hiện Nghị quyết bằng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, gặp gỡ, lắng nghe cử tri, đại biểu Quốc hội thu thập thông tin về đánh giá của cử tri đối với cán bộ cơ sở để cung cấp cho cấp ủy, cấp trên nhằm chấn chỉnh những yếu kém, lệch lạc.
Bằng hoạt động giám sát, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ phát hiện những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên cũng như hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục. Với chức năng xây dựng pháp luật, chính sách, đại biểu Quốc hội, Quốc hội góp phần hình thành các đạo luật và chính sách chặt chẽ, khả thi nhằm ngăn ngừa cán bộ, đảng viên lợi dụng chính sách pháp luật để nhũng nhiễu, tham ô, tiêu cực.
Tôi cho rằng, cần phát huy cao nhất vai trò làm chủ của nhân dân và đại biểu nhân dân trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).