Trăn trở về chất lượng giáo dục, bất cập trong công tác cán bộ

Chính trị - Ngày đăng : 07:13, 17/11/2016

(HNM) - Ngày 16-11, tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Những vấn đề “nóng” mà dư luận quan tâm đã tiếp tục được trao đổi thẳng thắn tại diễn đàn QH.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu chất vấn tại hội trường. Ảnh: Viết Thành


Triết lý giáo dục đã có, vấn đề là thực hiện

Đã có 49 ĐB chất vấn, 18 ĐB tái chất vấn với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Về lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã phát biểu ý kiến làm rõ một số nội dung ĐBQH quan tâm.

ĐB Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) đặt vấn đề, Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (Đề án 2020) xác định mục tiêu đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ, tự tin giao tiếp... Đề án có tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, giai đoạn 2008-2015 đã chi hết 5.000 tỷ đồng. Liệu tới năm 2020, các mục tiêu đề ra của đề án có đạt được hay không? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận, mục tiêu trên là không đạt được và Bộ đang rà soát để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh đề án, trước hết là ở cách tiếp cận. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, dạy ngoại ngữ là vấn đề lâu dài. Kinh nghiệm của Malaysia, đặc biệt là của Singapore, để đạt được trình độ cả nước nói tiếng Anh trung bình phải mất 38 năm.

Trả lời chất vấn của ĐB Bùi Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) về biện pháp tránh lãng phí trong đào tạo khi hiện nay có hơn 191.000 sinh viên đại học ra trường không có việc làm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, bản thân rất trăn trở về vấn đề này. Bộ trưởng lý giải, số sinh viên ra trường có việc làm ngay chủ yếu thuộc nhóm trường tốp trên; phần lớn sinh viên ra trường chưa có việc làm tốt nghiệp từ các trường thuộc nhóm yếu, mới thành lập. Thời gian tới, Bộ sẽ siết chặt cả đầu vào và đầu ra các trường đại học, cao đẳng; điều chỉnh mạng lưới, áp dụng chuẩn với các trường đại học. Những trường yếu kém sẽ được quy hoạch là thành viên hoặc là phân hiệu của các trường đại học lớn.

ĐB Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) đặt câu hỏi về "triết lý giáo dục hiện nay của chúng ta và việc cải cách giáo dục hiện nay có dựa trên nền tảng triết lý này chưa?”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không đủ thời gian trả lời câu hỏi này, song khi giải trình thêm về vấn đề giáo dục theo yêu cầu của Chủ tịch QH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, triết lý giáo dục Việt Nam trước hết là nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng con người Việt Nam toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế. Phó Thủ tướng khẳng định, vấn đề hiện nay nằm ở khâu thực hiện triết lý giáo dục nói trên.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nắm chắc tình hình và những vấn đề bức xúc của ngành; thẳng thắn nhận rõ trách nhiệm về ngành, về cá nhân; đồng thời đề nghị Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện những giải pháp đã đề ra.

Quy trình bổ nhiệm cán bộ còn lỏng lẻo

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, các ĐB đặt hàng loạt câu hỏi về công tác bổ nhiệm cán bộ, thi tuyển công chức, cải cách hành chính, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, thi đua khen thưởng… ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) hỏi: “Bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình là rất tốt. Nhưng cụm từ “đúng quy trình” đang bị lợi dụng, là “bà đỡ” cho những sai phạm trong bổ nhiệm, dẫn đến tình trạng "chọn người nhà mà không chọn người tài", khiến nhân dân giảm niềm tin. Bộ trưởng cho biết cần phải làm thế nào để chọn lựa được người tài cho đất nước?”.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đã có báo cáo gửi Thủ tướng về tình trạng này ở 9 địa phương, đồng thời cử ba đoàn kiểm tra những thông tin báo chí nêu và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND 9 địa phương thực hiện nghiêm túc việc bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình của Đảng, Nhà nước trong việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận, quy trình bổ nhiệm cán bộ còn lỏng lẻo, việc thẩm định hồ sơ để bổ nhiệm còn nhiều kẽ hở. Hiện nay, Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương đang phối hợp để sửa đổi các quyết định về bổ nhiệm cán bộ, phân định rõ chức năng của từng cấp, khắc phục tình trạng khi bổ nhiệm rồi mà cán bộ không đạt yêu cầu thì không ai chịu trách nhiệm. Bộ Chính trị cũng đã đồng ý về đề án đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, sắp tới sẽ triển khai thí điểm.

Cũng về vấn đề này, ĐB Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH) chất vấn: “Có hay không tình trạng bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ ở nhiều bộ, ngành?". Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, hiện tượng này là có, nhưng vẫn cần thời gian để phân tích, xem xét. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo thanh tra công vụ một số đơn vị và sẽ có báo cáo trong thời gian tới.

Trả lời ĐB Hoàng Thanh Tùng (Đoàn Sóc Trăng) về hình thức kỷ luật hành chính đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý phù hợp, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, để dù cán bộ đang công tác hay nghỉ hưu nhưng nếu có vi phạm thì không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Bộ Nội vụ cũng sẽ rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, trong đó bổ sung những quy định về xử lý kỷ luật cán bộ hưu trí, tạo hành lang pháp lý xử lý các trường hợp về sau.

Trước khi kết thúc ngày chất vấn thứ hai, các ĐBQH tiếp tục đặt ra hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, vấn đề liêm chính và kỷ luật công vụ của cán bộ… Hôm nay 17-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ trả lời những câu hỏi này.

(HNM) - Sáng 16-11, mở đầu ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ hai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời các câu hỏi về quản lý nhà nước về môi trường. Theo Bộ trưởng, để giám sát tốt các dự án, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan cấp phép đầu tư và các cơ quan nhà nước liên quan, trong đó có cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; phải quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan quản lý nhà nước và cá nhân người thực thi công vụ.

Chỉ trong trường hợp đó mới có khả năng giám sát hiệu quả dự án, nếu xảy ra sự cố môi trường sẽ dễ dàng xác định trách nhiệm của cá nhân. Bộ trưởng cũng khẳng định là biển miền Trung đã an toàn, tất cả hoạt động du lịch, thể thao, nuôi trồng thủy sản hoàn toàn có thể tiến hành bình thường. Đối với vấn đề hải sản an toàn, hiện nay, Bộ Y tế đang tiến hành những phân tích toàn diện trên cơ sở phối hợp với các đơn vị quốc tế.

Liên quan đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đến nay, cả nước đã cấp được trên 95% giấy chứng nhận. Bộ Tài nguyên - Môi trường và chính quyền các cấp phải tập trung hoàn thành cấp 5% giấy chứng nhận còn lại, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, lợi ích của người có đất, nhà, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai.

Thanh Hải

Võ Lâm