Phân định rõ trách nhiệm quản lý
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:00, 18/11/2016
Vậy, có cách nào để ngăn chặn lối làm ăn gian dối nói trên?
Câu trả lời trong vấn đề này không khó để nhận ra. Bởi lẽ, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch được cho là dễ dàng hơn nhiều so với loại hình kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định. Cụ thể: Các quy định từ nhà xe, lái xe, nhân viên phục vụ…, đến việc phải công bố số điện thoại đường dây nóng, phải có khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”… được kiểm tra, giám sát khá nghiêm ngặt. Trong khi đó, những đơn vị núp bóng xe chạy hợp đồng, vận chuyển khách du lịch dễ dàng “qua mặt” các cơ quan chức năng.
Chiêu trò của họ thể hiện rất rõ bằng việc lập hoặc kết hợp với một công ty lữ hành để xin giấy phép hoạt động vận tải theo hợp đồng. Sau khi đón khách tại văn phòng hoặc một số bến bãi tự quy định, nhân viên nhà xe sẽ lập danh sách và nhờ một hành khách ký trước hợp đồng để ứng phó với cơ quan quản lý. Loại xe được dùng phổ biến trong trường hợp này là ô tô dưới 16 chỗ. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn xin được “lá bùa” là giấy phép vào phố cấm.
Mấu chốt dẫn tới tình trạng trên là do công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, quyết liệt. Đặc biệt, chưa có quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương nơi địa bàn có xe “dù”, bến “cóc” hoạt động, dẫn đến những lộn xộn xảy ra trên diện rộng như báo chí phản ánh thời gian qua.
Ngoài ra, tình trạng lộng hành của xe “dù”, bến “cóc” còn bắt nguồn từ sự lỏng lẻo trong quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP ban hành ngày 10-9-2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Điều này đã được khẳng định khi Tổng cục Đường bộ đang đề xuất Bộ GT-VT sửa đổi, bổ sung 7 quy định vào Nghị định 86/2014/NĐ-CP. Cụ thể là bổ sung quy định đơn vị vận tải theo hợp đồng không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc tại một địa điểm ổn định; không sử dụng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải khách du lịch hoặc cho đơn vị khác thuê xe để vận chuyển khách theo hợp đồng; xe hợp đồng không niêm yết thông tin như tuyến cố định, không sử dụng xe giường nằm và rút ngắn thời gian cấp phù hiệu cho xe hợp đồng…
Thiết nghĩ, luật lệ, quy định là do con người tạo ra, nên nếu thấy không phù hợp cần sớm điều chỉnh cho sát thực tế, thay vì để bất cập kéo dài, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong kinh doanh. Ngoài ra, để giải quyết triệt để nạn xe “dù”, bến “cóc”, phải hoàn thiện quy hoạch bến xe, công bố các điểm cố định được đón trả khách. Đối với những trường hợp vi phạm, khi phát hiện cần xử phạt nghiêm minh, tái phạm nhiều lần sẽ rút giấy phép kinh doanh... Chính quyền cơ sở cũng không thể phủi trách nhiệm quản lý địa bàn khi để bến “cóc” xuất hiện mà cho rằng đó là câu chuyện quản lý ngành dọc còn địa phương vô can.
Rõ ràng, nếu không xử lý vấn đề trên một cách quyết liệt, rốt ráo thì việc giải quyết nạn xe “dù”, bến “cóc” sẽ chỉ là câu chuyện… kiểm tra là ra vi phạm và “ném đá ao bèo”, như nó vốn dĩ vẫn tồn tại trong suốt thời gian qua.