Xe "dù", bến "cóc" vì sao khó dẹp?
Giao thông - Ngày đăng : 06:06, 18/11/2016
Xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định trên đường Phạm Hùng chiều 17-11.Ảnh: Huy Khánh |
"Chặt" xong lại "mọc"
Xe "dù", bến "cóc" đã trở thành nỗi bức xúc trong công tác quản lý trật tự giao thông đô thị của Hà Nội từ nhiều năm nay. Đã không ít lần, các lực lượng chức năng của thành phố tổ chức các đợt cao điểm ra quân kiểm tra, xử lý. Xe "dù", bến "cóc" lập tức giảm. Tuy nhiên, cứ mỗi khi vắng bóng lực lượng chức năng, vi phạm lại tái phát, gây ùn tắc, là nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, ngay trước cửa tòa nhà Thăng Long Number one (số 1 Khuất Duy Tiến) thời gian qua đã hình thành một bến "cóc" với quy trình hoạt động khá bài bản. Một số nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Bình từ Bến xe Yên Nghĩa tới hoặc từ Bến xe Mỹ Đình ra ngang nhiên dừng đỗ để đón khách, trả khách. Một số nhà xe như Anh Huy, Đất Cảng còn có nhân viên trực tại bến cóc này để thu gom khách. Cũng trên tuyến đường Phạm Hùng (đoạn từ Bến xe Mỹ Đình tới cầu vượt Mai Dịch), luôn có hàng chục nhà xe chạy rà rê đón trả khách. Đây cũng là tình trạng diễn ra khá phổ biến tại phố Kim Đồng (quận Hoàng Mai).
Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 242/CĐ-TTg về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng xe "dù", bến "cóc", UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GT-VT, Công an thành phố và chính quyền địa phương duy trì công tác tuần tra, kiểm soát và tăng cường điều tra, theo dõi, xử lý, không để xảy ra hiện tượng "xã hội đen" thao túng, "bảo kê" trong hoạt động vận tải hành khách. Trong 9 tháng năm 2016, thanh tra Sở GT-VT đã xử lý 67 xe "dù", 12 bến "cóc"; lập biên bản xử lý hành chính 632 trường hợp xe hợp đồng nhưng "trá hình" phục vụ hành khách liên tỉnh tuyến cố định. Tổng số tiền phạt hơn 728 triệu đồng, tạm giữ 15 phương tiện, tước 199 giấy phép lái xe; tước phù hiệu có thời hạn 1.251 phương tiện thông qua trích xuất dữ liệu giám sát hành trình... Cùng với đó, Phòng CSGT - Công an thành phố xử lý 176 trường hợp (chủ yếu là xe hợp đồng nhưng hoạt động như xe khách tuyến cố định), phạt tiền 260,8 triệu đồng, tước 172 giấy phép lái xe.
Ông Đào Việt Long cũng thừa nhận, tình trạng này chỉ lắng xuống được một thời gian lại bùng phát trở lại. "Mới đây, tôi đã trực tiếp đi khảo sát và ghi nhận tình hình tại bến "cóc" đầu đường Khuất Duy Tiến, ngay nút giao Thanh Xuân. Tại đây có rất nhiều nhà xe dừng đỗ để đón khách, làm phức tạp thêm tình hình giao thông. Tới đây, Phòng sẽ kiến nghị Sở GT-VT Hà Nội chỉ đạo lực lượng thanh tra GT-VT làm rốt ráo, kiên quyết dẹp bến trái phép này" - ông Long nhấn mạnh.
Cách nào xử lý triệt để?
Tại sao khó xử lý dứt điểm tình trạng xe "dù", bến "cóc"? Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý vận tải còn có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, còn có kẽ hở để doanh nghiệp, chủ phương tiện và lái xe lợi dụng, nên việc xử lý vi phạm gặp khó khăn. Đáng nói, ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị vận tải, lái xe và một bộ phận hành khách chưa cao. Còn nhiều hành khách có nhu cầu đi xe nhưng không vào bến mua vé, mà tùy tiện tìm đến các vị trí đón xe dọc đường. Ngoài ra, đại diện cơ quan chức năng cũng thừa nhận rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng chưa thường xuyên, chưa quyết liệt. Đặc biệt, phải quy được trách nhiệm của từng lực lượng, từng địa bàn mới xử lý được triệt để.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, bến "cóc" phát sinh nhiều nhất chính từ các xe hợp đồng "trá hình" hoạt động như xe khách liên tỉnh. Trong khi đó, quy hoạch luồng tuyến, bến xe của Thủ đô chưa đáp ứng được tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Hành khách có tâm lý tùy tiện, cứ thấy có xe dừng là lên. Nhiều nhà xe lợi dụng điều này rồi thuê các bãi đất trống, thậm chí các công trình đang xây dựng, kho bãi... để làm điểm tập kết và kết nối để gom đón khách bằng điện thoại. Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã xử lý hàng loạt bến "cóc" dạng này như: Điểm tại số 16 Phạm Hùng (đất dự án của Công ty Mai Trang đang thi công); ngõ 2 đường Nguyễn Hoàng (đất thuộc dự án công trình xây dựng nhà ở FLC đang thi công); số 189 phố Trần Bình (đất rào tôn, không rõ thuộc dự án nào); khu đất đối diện Bến xe Mỹ Đình đến tòa nhà Keangnam (đất thuộc dự án Công viên Cầu Giấy, toàn bộ đã rào tôn)... Sở GT-VT Hà Nội đang nghiên cứu báo cáo Bộ GT-VT có giải pháp quản lý chặt chẽ loại hình này.
Theo ông Đào Việt Long, mấu chốt dẫn tới tình trạng này vẫn là do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng chưa quyết liệt, chưa thường xuyên; chưa quy được trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra vi phạm. Để chấn chỉnh, thời gian tới thành phố cần xây dựng quy chế xác định rõ trách nhiệm của các lực lượng như CSGT, Thanh tra GT-VT, chính quyền địa phương khi để tồn tại, phát sinh, tái diễn xe "dù", bến "cóc” trên địa bàn quản lý.