Nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Công nghệ - Ngày đăng : 07:10, 19/11/2016
Xây dựng các công trình điện gió là giải pháp hữu hiệu để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Trong ảnh: Tuabin điện gió tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. |
Theo tổ chức Khí tượng thế giới, nồng độ KNK trong khí quyển năm 2015 đã vượt qua ngưỡng 400/106 thể tích; trong khi đó, giới hạn an toàn của chỉ số này là 350/106 thể tích. Còn kết quả công bố của Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH thì nồng độ KNK trong khí quyển không ngừng gia tăng; trong đó, nồng độ khí CO2 giai đoạn 2005-2011 đã tăng 40% so với năm 1750. Giai đoạn 1901-2012, nhiệt độ bề mặt trái đất đã tăng 0,89 độ C; riêng giai đoạn 1951-2012 tăng 0,72 độ C. Biểu hiện của BĐKH thể hiện rõ rệt là số ngày, đêm lạnh/năm giảm, số ngày, đêm và đợt nắng nóng/năm tăng. Mực nước biển trung bình của thế giới cũng có xu hướng tăng trong suốt thế kỷ XX, với mức bình quân 1,7mm/năm, giai đoạn 1900-1992 và 3,2mm/năm, giai đoạn 1993-2010. Các cơn bão mạnh xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là những trận siêu bão, với sức gió chưa từng có trong lịch sử nhân loại…
BĐKH đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt phát triển của Việt Nam. Theo kịch bản BĐKH cho Việt Nam, nhiệt độ tại các vùng, miền của nước ta đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở, 1986-2005, với mức tăng lớn nhất ở khu vực phía Bắc. Lượng mưa trung bình/năm vào đầu thế kỷ này có xu thế tăng phổ biến từ 5 đến 10%; trong đó, một số tỉnh ven biển Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có thể tăng hơn 20%. Về mực nước biển dâng trung bình ở Việt Nam có khả năng cao hơn mức trung bình toàn cầu. Dự báo, nếu mực nước biển dâng 1m và không có các giải pháp ứng phó thì khoảng 16,8% diện tích Đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích của TP Hồ Chí Minh, 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập chìm trong nước…
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH gây ra, Việt Nam đã xây dựng giải pháp chủ động ứng phó và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong bối cảnh đó, Hà Nội cũng được đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác quản lý nhà nước về BĐKH cấp tỉnh, cũng như hoạt động ứng phó BĐKH. Những năm qua, Hà Nội đã chủ động tích cực thực hiện và hoàn thành Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH. Tuy nhiên, với nhu cầu phát triển của một Thủ đô hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp, Hà Nội cần thực hiện việc thống kê, đánh giá, kiểm kê phát thải KNK trên địa bàn. Đây sẽ là những căn cứ khoa học và bằng chứng thực tế về hoạt động phát thải KNK trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở kết quả thống kê, Hà Nội sẽ xây dựng kịch bản phát thải KNK. Từ đó, thành phố sẽ có căn cứ để thực hiện các điều chỉnh, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chủ động triển khai chiến lược phát triển bền vững, xanh, góp phần giảm phát thải KNK trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, việc khảo sát, thống kê và đánh giá hoạt động phát thải KNK trên địa bàn Hà Nội sẽ là cơ sở để chuẩn bị cho việc tích hợp vào hệ thống quốc gia về kiểm kê KNK; giám sát phát thải KNK theo yêu cầu của Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH. Do đó, việc xây dựng nhiệm vụ thống kê, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý phát thải KNK trên địa bàn TP Hà Nội là rất cấp thiết. Nguyên tắc thực hiện công việc này dựa trên hướng dẫn của Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan cho tính toán thống kê, đánh giá hoạt động phát thải KNK.
Thực hiện nhiệm vụ thành phố giao, năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện công tác thống kê trong lĩnh vực chất thải, bao gồm: Thu thập thông tin, số liệu, đánh giá hiện trạng phát thải KNK trong lĩnh vực chất thải từ các hoạt động chôn lấp rác thải, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải từ hoạt động đốt chất thải…; xây dựng phương pháp luận tính toán lượng phát thải KNK và hệ số phát thải cho lĩnh vực chất thải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thực hiện thống kê phát thải KNK trong lĩnh vực chất thải trên địa bàn và xây dựng kịch bản dự báo về lượng phát thải trong thời gian tới; đồng thời, đề xuất các giải pháp quản lý phát thải KNK trong lĩnh vực chất thải...
Tiếp tục quản lý BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ báo cáo UBND thành phố cho triển khai công tác thống kê KNK trong các lĩnh vực: Năng lượng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp...