Những hiểm họa đe dọa di tích
Văn hóa - Ngày đăng : 05:14, 20/11/2016
Việc chủ động xây dựng các giải pháp bảo đảm an toàn cho di tích trước những hiểm họa do thiên tai, con người gây ra là rất cần thiết. Trong ảnh: Một góc kinh thành Huế. Ảnh: Đinh Toại |
Phớt lờ cảnh báo...
Những người yêu di sản chưa hết bàng hoàng khi tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt tại chùa Mễ Sở, huyện Văn Giang (Hưng Yên) bị đánh cắp, lại giật mình chứng kiến khu nhà Tổ trong di tích quốc gia chùa Tĩnh Lâu, quận Tây Hồ (Hà Nội) bị “bà hỏa” thiêu rụi. Trước đó, nhiều vụ hỏa hoạn cũng đã xảy ra tại các di tích trên phạm vi cả nước. Điển hình như vụ cháy gian Phủ thờ tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) vào năm 2015 làm mất chiếc hương án được đánh giá là đẹp vào bậc nhất Việt Nam; vụ cháy đền thờ Trung túc vương Lê Lai thuộc Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa) năm 2013, cháy Bảo tàng Không gian văn hóa Mường Hòa Bình, cháy tại chùa Tảo Sách (Tây Hồ, Hà Nội) năm 2011… gây thiệt hại không thể đong đếm. Tình trạng mất trộm hiện vật, cổ vật trong di tích diễn ra khá thường xuyên, không ngoại trừ những di tích quan trọng, có người bảo quản, trông coi như vụ việc mất 39 tượng phật cổ tại chùa Kim Long, TP Nha Trang (Khánh Hòa) năm 2015; vụ mất két sắt chứa 69 sắc phong trong hậu cung đền Bồng Châu (Kim Động, Hưng Yên) năm 2013…
Liên quan đến công tác PCCC, “chảy máu” cổ vật tại nơi thờ tự, các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương đã ban hành hàng chục văn bản, thường xuyên kiểm tra, yêu cầu, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân tăng cường quản lý, bảo vệ di tích, chủ động phòng chống hỏa hoạn, thiên tai; đồng thời, tập huấn kỹ năng PCCC cho những người có liên quan. Tiếc rằng, việc thực hiện các quy định này chưa được triển khai nghiêm túc.
Đến chùa Vân Hồ (Hai Bà Trưng) chiều 17-11, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, dù mới được tu bổ, tôn tạo chưa lâu nhưng công tác PCCC tại di tích này rất đáng báo động. Phía trước các công trình di tích, gian điện thờ không có bình cứu hỏa, không có hướng dẫn, tiêu lệnh PCCC, không có bảng, biển hướng dẫn khách thập phương thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự. Tại chùa Phúc Khánh (Đống Đa), hệ thống bình cứu hỏa mini được bố trí ở nhiều nơi, nhưng không có bảng, biển hướng dẫn PCCC, không có tiêu lệnh PCCC đi kèm.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội thừa nhận, tình trạng mất trộm cổ vật tại di tích hiện nay tuy ít xảy ra hơn những năm trước, song chưa được ngăn chặn triệt để. Lực lượng công an thỉnh thoảng vẫn tìm thấy một số hiện vật nghi là của di tích bị đánh cắp và mời các nhà khoa học đến giám định. Công tác PCCC chưa được các đơn vị trực tiếp quản lý di tích quan tâm đúng mức.
Cần rõ trách nhiệm
Di tích là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, thường được thiết kế mở và không thể cửa đóng, then cài. Đa phần di tích có kết cấu bằng gỗ, lại thắp hương, nến, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn… Thế nhưng, người dân đến di tích thường chủ quan khi đốt nến, thắp hương, đốt vàng mã. Hơn nữa, theo các quy định hiện hành, vai trò, trách nhiệm của những người quản lý, trông coi di tích khi để xảy ra các vụ việc làm tổn hại đến di tích như thế nào chưa được quy định rõ ràng, cũng như chưa có trường hợp nào liên quan đến vi phạm bị xử lý thích đáng.
Huyện Mê Linh là một trong số ít địa phương đầu tiên trong cả nước chủ động cân đối nguồn kinh phí, trả công cho người trông coi di tích. “Trách nhiệm của người trông coi di tích rất lớn, không thể đòi hỏi họ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mãi được. Số tiền vài trăm nghìn mỗi tháng dành cho người trông coi di tích tuy chưa tương xứng với công việc, trách nhiệm của họ, nhưng phần nào động viên, khuyến khích và ràng buộc trách nhiệm của người trông coi đối với di tích. Sau vài năm có “cơ chế” này, số vụ việc xâm phạm di tích trên địa bàn huyện Mê Linh giảm hẳn” - ông Phạm Văn Luật, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mê Linh cho biết.
Thời gian qua, Ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tiến hành tổng kiểm kê di tích, hiện vật trên phạm vi toàn thành phố. Căn cứ vào kết quả kiểm kê, Sở VH-TT Hà Nội đã và đang phân loại di tích, số hóa toàn bộ tư liệu, hiện vật. “Giá trị, đặc điểm của từng di tích, hiện vật được phân tích, nhận diện rõ ràng, được lưu trữ thông minh. Với cách quản lý này, di tích nào còn gì, mất gì, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong từng vụ việc, từng di tích đến đâu đều rất rõ ràng, cụ thể” - ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định.
Không chỉ ở Hà Nội, một số tỉnh, thành phố có nhiều di tích như: Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, TP Hồ Chí Minh… cũng đã chủ động xây dựng các giải pháp bảo đảm an toàn cho di tích trước những hiểm họa do thiên tai, con người gây nên. Tất nhiên, không ai mong muốn điều xấu xảy ra nhưng trên hết, việc không để "mất bò mới lo làm chuồng" cũng là trách nhiệm của những người đang sống hôm nay với tiền nhân và hậu thế.
Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Thị Hòa: Ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội” trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Theo dự thảo Quy chế, hệ thống di tích trên địa bàn Hà Nội do hai cấp quản lý. Thành phố quản lý những di tích quan trọng, các quận, huyện, thị xã quản lý di tích còn lại, bao gồm cả các di tích trong danh mục kiểm kê, chưa được xếp hạng. Nếu các quận, huyện, thị xã ủy quyền cho xã, phường quản lý thì trách nhiệm của xã, phường phải rất rõ ràng, cụ thể. |