Thưởng thức "chè đâm” xứ Nghệ ngay giữa lòng Thủ đô
Văn hóa - Ngày đăng : 20:04, 20/11/2016
Chè đâm là đồ uống dân gian truyền thống của người dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ, đặc biệt mỗi khi có khách tới nhà.
Mỗi gia đình người Thái tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đều có sẵn ống mét (ống bương từ cây tre), chày đâm và huột là dụng cụ đâm và lọc chè. Chè Quỳ Hợp có vị ngon khó lẫn với chè của các vùng khác. Chè dày lá, xanh, ngọt, thơm và ít chát.
Chè đâm có hương thơm rất đặc biệt khiến nhiều người chỉ uống một lần mà nhớ mãi. Bên cạnh đó, chè đâm còn có công dụng giải độc, giải nhiệt, với những thành phần chống oxy hóa, rất tốt cho sức khỏe. Bởi vậy, chè đâm dần phổ biến hơn và trở thành "đặc sản" của xứ Nghệ.
Chè xanh Quỳ Hợp được ngắt cả cành để bảo đảm độ tươi và hương thơm đặc trưng. Sau khi ngắt, lá chè có thể giữ được trong khoảng 3 - 5 ngày. Người pha sẽ chọn những lá bánh tẻ, không quá non cũng không quá già, lá dày dặn.
Công đoạn “đâm chè” cũng chứa nhiều điểm thú vị. Sau khi được rửa sạch bằng nước muối pha loãng, lá chè được thả vào ống bương và đâm đều tay (giã nát) bằng chày trong khoảng 3 - 5 phút, sau đó chế nước mát vào ống và lọc qua huột.
Nếu đâm quá lâu hoặc pha bằng nước nóng, chè sẽ bị đỏ chứ không có được màu xanh và mùi thơm đặc trưng.
Tùy khẩu vị và sở thích, người thưởng thức có thể pha thêm chút đường, nước mía hay mật ong để làm tăng vị ngọt. Tuy vậy, chén chè đâm nguyên chất vẫn được ưa chuộng nhất bởi nó lưu lại vẹn nguyên những tinh túy của lá chè tươi.
Chè đâm “đúng chất” phải ăn kèm với kẹo cu đơ. Vị ngọt của đường mía cùng với hương cay nồng của gừng sẽ trung hòa vị chát của chè và hợp với những người huyết áp thấp.
Du khách nước ngoài lạ lẫm với chén chè đặc sánh và xanh ngắt.
Nâng chén chè mời khách, chị Phạm Minh Hậu - chủ quán chè đâm Phốm Quán nằm tại ngõ Thịnh Quang, cũng là người mang chè đâm tới với không gian của Ngôi nhà Di sản - say sưa chia sẻ những cái hay, cái lạ trong cách pha chế và thưởng thức chè đâm.