Giúp chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả
Xã hội - Ngày đăng : 06:37, 21/11/2016
Từ vắc xin sởi - rubella…
Dự án “Tăng cường năng lực sản xuất vắc xin phối hợp sởi - rubella” được Polyvac bắt đầu triển khai từ tháng 5-2013 với tổng kinh phí khoảng 700 triệu yên Nhật. Tháng 3-2016, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản, vắc xin MR được thử nghiệm lâm sàng. Quá trình thử nghiệm lâm sàng được tiến hành tại tỉnh Hà Nam và Hòa Bình với 756 người trong độ tuổi từ 1 đến 45. Kết quả cho thấy, vắc xin MR có tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch phòng bệnh tốt.
Kỹ thuật viên làm việc trong dây chuyền sản xuất vắc xin sởi - rubella. Ảnh: Thùy Linh |
Giám đốc Polyvac Nguyễn Đăng Hiền cho biết, vắc xin MR được bào chế bằng công nghệ nuôi cấy tế bào phôi gà và thận thỏ, trong đó, thỏ được nhập khẩu từ Nhật Bản và trứng gà phải nhập khẩu từ Đức. Loại tế bào phôi gà và thận thỏ này, sau khi gây nhiễm vi rút sẽ được bổ sung chất ổn định, loại bỏ bớt tế bào để tạo nên bán thành phẩm. Sau đó, người ta phối trộn hai loại bán thành phẩm với nhau, đóng ống, cô thành dạng bột để tạo nên vắc xin thành phẩm MR.
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Hiền, công nghệ phối trộn là công nghệ mới, do đó, điều quan trọng là phải đào tạo được đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, những người nắm vững và làm chủ được các công đoạn từ sản xuất đến kiểm định chất lượng thì mới cho ra được những loạt vắc xin đạt chất lượng và ổn định lâu dài. Chính vì vậy, tính từ thời điểm bắt đầu sản xuất vắc xin này đến tháng 10-2016, đơn vị chuyển giao công nghệ phía Nhật Bản đã cử 197 lượt chuyên gia sang chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và tiếp nhận 36 lượt cán bộ của Polyvac sang học tập tại Nhật Bản.
Tiến sĩ Arai Setsuo, Giám đốc dự án của đơn vị chuyển giao công nghệ vắc xin MR đánh giá, Polyvac là đơn vị đầu tiên và duy nhất được phía Nhật Bản chuyển giao công nghệ sản xuất loại vắc xin này. Polyvac đã đáp ứng đầy đủ tất cả yêu cầu của phía Nhật Bản về sản xuất vắc xin. Vắc xin MR do Việt Nam sản xuất đạt các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên cơ sở tuân thủ WHO-cGMP. So với vắc xin đơn giá thì vắc xin phối hợp sởi - rubella có giá trị gia tăng rất lớn. Đây là loại vắc xin có khả năng tạo miễn dịch đồng thời với nhiều bệnh.
… đến việc chủ động nguồn vắc xin trong nước
Năm 2015 là năm đáng ghi nhớ của ngành sản xuất vắc xin khi Việt Nam được WHO cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA). Đến năm 2016, Việt Nam lại đánh dấu mốc mới, quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vắc xin khi đã tự sản xuất được vắc xin MR chất lượng cao nhờ ứng dụng công nghệ Nhật Bản. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vắc xin nhập ngoại, tính đến nay, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng gồm 12 loại vắc xin, Việt Nam đã sản xuất được 11 loại.
Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào là một trong 25 quốc gia trên thế giới sản xuất được vắc xin. Nhờ những loại vắc xin “made in Việt Nam”, hàng chục triệu mũi tiêm an toàn đã được thực hiện hằng năm, góp phần thanh toán, khống chế và đẩy lùi nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ như uốn ván, sởi, ho gà, bạch hầu, bại liệt, lao, viêm gan B, tiêu chảy…
Theo Giám đốc Polyvac Nguyễn Đăng Hiền, MR là loại vắc xin mà từ trước tới nay Việt Nam đều phải nhập khẩu. Thời gian chờ đợi nhập khẩu vắc xin gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, để có vắc xin nhập khẩu, phải mất trung bình là 6 tháng, có loại mất một năm và phải đặt hàng trước. Đó là chưa kể có những loại vắc xin, do số lượng nhà cung cấp trên thế giới có hạn nên dù chủ động đặt hàng nhưng vẫn phải chờ lâu, kể cả khi dịch ở trong nước đã lan rộng và số người mắc rất nhiều.
Vì vậy, việc Việt Nam sản xuất thành công vắc xin MR có ý nghĩa rất quan trọng bởi nhờ đó, Ngành Y tế sẽ chủ động được nguồn vắc xin, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, nhất là trong tình huống khẩn cấp. Hơn nữa, vắc xin sản xuất trong nước sẽ có giá thành thấp hơn nhiều so với nhập ngoại.
Với thành công nói trên, tới đây, Polyvac sẽ hoàn thiện nốt các thủ tục cần thiết để chính thức đưa loại vắc xin này vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em Việt Nam (dự kiến từ năm 2017).
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sởi và rubella hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Trong khi đó, bệnh sởi bùng phát rất nhanh. Những người chưa tiêm vắc xin sởi, chưa có miễn dịch đều có khả năng mắc bệnh. Còn đối với rubella, mặc dù biểu hiện bệnh ở trẻ em thường nhẹ, ít biến chứng, nhưng lại rất nguy hiểm đối với người mang thai. Phụ nữ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể đối diện với khả năng sảy thai, thai chết lưu, đẻ non; trẻ sinh ra có thể mắc hội chứng rubella bẩm sinh (bao gồm các dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, thậm chí là đa dị tật). Do vậy, tiêm vắc xin sởi - rubella là cách duy nhất phòng bệnh. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin có thể đạt tới 95%.