Tự do thương mại - xu thế của thời đại

Thế giới - Ngày đăng : 06:12, 21/11/2016

(HNM) - Nền kinh tế thế giới vừa ghi nhận sự

Tự do thương mại được lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đặc biệt quan tâm.


Theo nhận định của giới phân tích, nền kinh tế toàn cầu đang thiếu sự lãnh đạo, dẫn dắt trước xu hướng phản đối thương mại tự do khi không ít quốc gia trở lại các chính sách hướng nội để vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Hiện tượng Brexit đã tạo ra thách thức với các nước phát triển trong hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.

Ngoài ra, quan điểm phản đối toàn cầu hóa của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được dự đoán cũng sẽ đặt ra những thách thức đáng kể, nhất là với những thành viên của APEC. Thậm chí đã có những nghi ngờ về tính hiệu quả của diễn đàn APEC. Tại một số diễn đàn khác trong khu vực như Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang tồn tại những hoài nghi về khả năng của APEC trở thành một diễn đàn hội nhập tài chính và kinh tế.

Đó là lý do vì sao Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski, lãnh đạo nước chủ nhà APEC lần thứ 24, lên tiếng kêu gọi nguyên thủ các nước trong khu vực kiên quyết bảo vệ thương mại tự do trước xu hướng chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ và Châu Âu. Nhận ra những thách thức tương tự, các nhà lãnh đạo thành viên APEC trong khuôn khổ Hội nghị đã cùng trao đổi để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.

Trước hết là bảo đảm cho các hiệp định tự do còn dang dở. Trong các cuộc gặp tại APEC lần này, các nhà lãnh đạo 12 nước thành viên TPP đã tái khẳng định tiếp tục thúc đẩy phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực. Các nguyên thủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định cả về kinh tế lẫn chiến lược trong bảo đảm ổn định, thịnh vượng của khu vực. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, chính quyền đương nhiệm sẽ tiếp tục các nỗ lực để thúc đẩy sự ủng hộ trong nước với TPP.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định, quốc đảo này sẽ sửa đổi các quy định luật pháp để có thể tiến tới phê chuẩn TPP vào năm tới, đồng thời nhấn mạnh TPP có ý nghĩa kinh tế và chiến lược quan trọng với toàn khu vực, bất kể Mỹ có quyết định như thế nào. Đây là một tín hiệu tích cực bởi ngoài Singapore, một số quốc gia khác dường như vẫn tiếp tục với TPP dù Mỹ có tham gia hay không.

Bên cạnh đó, cuộc tập hợp tại APEC cũng là dịp để các thành viên xây dựng hiệp định thương mại tự do mới. Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao APEC lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi phối hợp các nỗ lực nhằm hướng tới một Khu vực Thương mại Tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và nhấn mạnh đến sự cần thiết về bảo vệ hệ thống thương mại đa phương.

Ông Tập Cận Bình cho rằng, FTAAP sẽ là một lựa chọn chiến lược liên quan đến sự thịnh vượng trong dài hạn của khu vực. Tiến trình xây dựng FTAAP đã được khởi động vào năm 2014 tại hội nghị APEC ở Bắc Kinh và một lộ trình đã được các nhà lãnh đạo khu vực thông qua. Theo đó, một nghiên cứu chiến lược tập thể về FTAAP đã được thực hiện và kết quả sẽ được trình lên lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC vào cuối năm 2016.

Dù lãnh đạo các thành viên APEC đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ, mới nhất tại Lima nhằm đối phó với những thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ đang lên ngôi, nhưng rõ ràng các thành viên APEC vẫn cần những bước đi cụ thể để bảo vệ tự do thương mại - một xu thế tất yếu của thời đại - trước mắt là các hiệp định thương mại đã có và tiếp tục tạo dựng những hiệp định mới. Có như vậy mới bảo đảm cho nền kinh tế khu vực và toàn cầu tránh được những đợt sóng suy thoái như thế giới từng chứng kiến trong hai thế kỷ liên tiếp vừa qua.

Quang Huy