Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 20:56, 21/11/2016
Theo đó, từ ngày 22/11, tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng), Sở VH-TT Hà Nội tổ chức loạt hoạt động ý nghĩa, đáng chú ý là lễ công bố kết quả thực hiện Đề án tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội – được thực hiện trên địa bàn của 30 quận, huyện, thị xã.
Từ ngày 22/11, Hà Nội sẽ công bố danh mục Di sản phi vật thể (Ảnh: Nghệ thuật Ca trù Hà Nội) |
Loạt hoạt động do Sở VH-TT Hà Nội tổ chức gồm: Triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt và Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội”; Lễ kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam; chương trình tọa đàm với chủ đề “Nghệ thuật Việt nhìn từ linh vật”…
Lễ kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam là hoạt động thiết thực bởi trong buổi lễ này, BTC sẽ giới thiệu kết quả thực hiện Đề án tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội thông qua bộ phim tài liệu “Giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội”.
Từ những gì được giới thiệu, công chúng sẽ hình dung rõ hơn về nguồn tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô, thấy được sự quý giá và sự cần thiết phải tham gia bảo vệ, phát huy giá trị của di sản. Với gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, nhận diện giá trị và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội, các quận, huyện, thị xã sẽ tiếp nhận danh mục và hồ sơ di sản có trên địa bàn, có cơ sở để hình thành kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách thiết thực, khả thi.
Triển lãm “Linh vật Việt và Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” do Bảo tàng Hà Nội, Phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT Hà Nội) và Group Đình làng Việt phối hợp tổ chức với mục đích đưa ra cái nhìn chân thực về giá trị mỹ thuật, giá trị văn hóa, giá trị biểu tượng của linh vật Việt – những con vật thiêng từng được mô tả trong truyền thuyết, những câu chuyện dân gian.
Buổi tọa đàm “Nghệ thuật Việt nhìn từ linh vật” dự kiến có sự tham gia của PGS.TS Đinh Hồng Hải và họa sĩ Trần Hậu Yên Thế - những người sẽ cùng với đại diện Group Đình làng Việt chuyển đến người tham dự thông tin về những loại linh vật như sư tử, rồng… thường xuất hiện trên những bệ tượng cổ, góp phần giải mã những pho tượng đã bị mất, bị hư hại qua thời gian, chiến tranh, loạn lạc. Những câu chuyện về linh vật cho thông tin hữu ích về lịch sử, mỹ thuật, văn hóa truyền thống.
Ngoài các hoạt động nói trên, trong ngày 22 và 23/11, khách tham quan Bảo tàng Hà Nội có cơ hội thưởng lãm các tác phẩm điêu khắc được trao giải tại cuộc thi và triển lãm “Tác phẩm điêu khắc biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng”, thưởng thức chương trình nghệ thuật dân gian có sự tham gia của đại diện Giáo phường ca trù Thái Hà, CLB hát chầu văn Xứ Đoài, làng rối nước Đào Thục; theo dõi các buổi trình diễn nghề thủ công truyền thống của nghệ nhân điêu khắc đá, điêu khắc gỗ…