Tràn lan lẩu vỉa hè: Vừa ăn, vừa lo!
Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 22/11/2016
Lẩu vỉa hè thu hút nhiều người, nhưng còn đó tồn tại mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm.Ảnh: Huy Khánh |
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao
Không chỉ những con phố chuyên lẩu có tiếng từ lâu ở Hà Nội như Phùng Hưng, Trúc Bạch, Cao Bá Quát…, mà những quán lẩu nằm sâu trong ngõ hẻm trên các con phố: Hàng Chai, Ngọc Lâm, Trần Khát Chân, Xã Đàn… rất hút khách, xe cộ tràn cả vỉa hè, lòng đường. Giá một nồi lẩu cũng "bình dân", chỉ từ 120 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng với đủ vị gà, cá, tôm, mực, cua…
Phóng viên đã dạo một vòng, quan sát một số "bếp" nhận thấy, khu chế biến thực phẩm của các quán lẩu vỉa hè được đặt lộ thiên, thậm chí ngay cạnh cống rãnh rất mất vệ sinh. Do tiết kiệm nước, các loại rau ở những quán lẩu vỉa hè cũng được rửa một cách sơ sài, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tại một ngõ nhỏ trên phố Hàng Chai có đến trên dưới chục quán lẩu với dãy bàn ghế nhựa kê san sát nhau, anh Nguyễn Mạnh (ở Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) chia sẻ, cứ cuối tuần anh cùng bạn bè lại tụ tập tại đây để ăn uống, thư giãn, và anh không quan tâm lắm đến ATVSTP.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng qua cả nước đã xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 3.292 người bị ngộ độc, trong đó 9 trường hợp tử vong. Hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi sinh vật, một số trường hợp bị ngộ độc do hấp thụ phải hóa chất tồn dư trong thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cảnh báo, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun lên rau, củ quả, mọi người thường không tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật, chưa hết thời gian cách ly đã vội thu hoạch về bán. Để loại bỏ hàm lượng độc tố, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư bám trên rau cần phải rửa sạch nhiều lần dưới dòng nước chảy. Thế nhưng, tại những quán lẩu vỉa hè, số lượng rau sử dụng lớn, nguồn nước lại hạn chế, nên hầu hết chỉ rửa qua loa, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cảnh báo, hiện nay về nguồn gốc của những gói gia vị dùng chế biến nước lẩu cũng chưa ai dám bảo đảm an toàn cho sức khỏe hay không. Một vấn đề đáng lo ngại nữa là không ít quán lẩu vỉa hè sử dụng nguồn thực phẩm ôi thiu để phục vụ thực khách.
Trách nhiệm từ chính quyền địa phương
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, thời gian qua các cấp, các ngành của thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm ATVSTP và chăm lo sức khỏe của người dân. Cuối tháng 10-2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề ATVSTP trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội. Ngay sau khi có Chỉ thị, các cấp ủy đảng đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tập trung chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể vào cuộc quyết liệt.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo ATVSTP quận Cầu Giấy, hiện trên địa bàn quận có gần 3.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó có hơn 1.000 cơ sở thức ăn đường phố. Ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo ATVSTP Cầu Giấy cho biết, quận đã thành lập 7 đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP. Ngoài ra, quận Cầu Giấy thường xuyên duy trì một đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường kiểm tra ATVSTP đột xuất hằng ngày. Trong 10 tháng qua, quận Cầu Giấy đã xử phạt hơn 1,6 tỷ đồng vi phạm liên quan đến vấn đề vệ sinh cơ sở, bảo quản thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm… và có hơn 10 cơ sở bị đóng cửa.
Sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành thời gian qua đáng được ghi nhận, song đây mới chỉ là kết quả bước đầu và vẫn còn nhiều mối lo về nguy cơ mất ATVSTP. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, dù các quán vỉa hè nhếch nhác, gần cống rãnh, hứng cả khói bụi do lưu lượng xe qua lại rất lớn, nhưng vẫn thu hút thực khách. Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền cơ sở, và người dân nên có sự lựa chọn đối với hình thức ẩm thực vỉa hè để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Khi người dân phát hiện những quán ăn không bảo đảm ATVSTP cần phản ánh đến cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.