Khiếu nại, tố cáo còn tiềm ẩn phức tạp
Đời sống - Ngày đăng : 07:23, 22/11/2016
Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng sẽ góp phần giảm tình trạng nhiều khiếu nại, tố cáo. |
73% vụ việc khiếu nại sai
Năm 2016, cùng với nhiều mặt công tác khác, các địa phương triển khai quyết liệt công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và sau dồn điền đổi thửa. Dù rất tích cực chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhưng trên địa bàn thành phố vẫn gia tăng số lượng đơn, thư KNTC. Một số địa bàn như Hà Đông, Long Biên, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì… phát sinh nhiều vụ việc KNTC liên quan đến triển khai công tác giải phóng mặt bằng, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới. Cũng chính vì thế, tại trụ sở các cơ quan trung ương và thành phố vẫn còn tình trạng công dân tập trung KNTC đông người gây mất trật tự.
Theo Thanh tra TP Hà Nội, tính đến hết tháng 10-2016, toàn thành phố đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 3.178 vụ KNTC (gồm 2.193 vụ khiếu nại, 985 vụ tố cáo), tăng so với năm trước. Các cấp thanh tra đã giải quyết 2.818 vụ (gồm 1.986 vụ khiếu nại, 832 vụ tố cáo), đạt tỷ lệ 88,7%. Điều đáng lưu ý, qua thống kê, tỷ lệ khiếu nại đúng chỉ là 61 vụ (3%), khiếu nại sai 1.450 vụ (73%), khiếu nại có đúng, có sai 98 vụ (5%), số rút đơn khiếu nại, hòa giải thành là 377 vụ (19%).
Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng cho biết, số vụ KNTC tăng hơn so với năm trước, ngoài liên quan đến công tác bầu cử, gấp rút triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì còn nguyên nhân một số vụ việc đã được các cấp, các ngành giải quyết hết thẩm quyền, có lý, có tình, nhưng công dân vẫn tiếp tục KNTC, hoặc đơn có cùng nội dung nhưng gửi nhiều nơi.
Tuy nhiên, Chánh thanh tra thành phố cũng cho rằng, trong công tác tiếp công dân, người đứng đầu một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ việc tiếp công dân định kỳ; chưa thực sự quan tâm chỉ đạo xử lý, giải quyết, nhất là đối với những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp. Đối với một số vụ phức tạp, sự phối hợp giải quyết giữa các cơ quan có thẩm quyền chưa tốt nên để người dân gửi đơn KNTC vượt cấp. Đáng quan ngại, việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về tố cáo ở một số địa bàn, đơn vị còn chậm, thiếu kiên quyết, dẫn đến người KNTC bức xúc, tiếp tục gửi đơn hoặc tố cáo, làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền.
Tuyên truyền để công dân rõ quy trình
Từ nay đến hết năm 2017, TP Hà Nội đặt quyết tâm chính trị cao nhất hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và sau dồn điền, đổi thửa nên dự báo sẽ khó tránh khỏi đơn thư KNTC. Bởi thực tế, khi bắt tay vào giải quyết có rất nhiều vấn đề phức tạp, do hồ sơ giấy tờ lưu trữ khác với diện tích sử dụng thực tế. Tính đến cuối tháng 9-2016, thành phố mới cấp giấy chứng nhận cho gần 1,5 triệu căn hộ, thửa đất. Trong đó, những hồ sơ thuận lợi thì đã cấp rồi, còn lại đa số là hồ sơ phức tạp, cần sự xác minh, nên khó tránh khỏi đơn thư KNTC.
Lường trước được vấn đề này, Thanh tra TP Hà Nội đã có kế hoạch sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về Luật KN, Luật TC; tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã cần nắm chắc tình hình KNTC trên địa bàn, có kế hoạch tổ chức tiếp công dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi mô hình chợ, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường.
Hiện thành phố còn 19 vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Thanh tra thành phố sẽ cùng với các cơ quan chức năng tập trung giải quyết thời gian tới. Theo Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng, để tránh việc trùng lặp đơn, thư KNTC, năm 2017, Thanh tra thành phố sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC; phối hợp với các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành phấn đấu giải quyết hơn 85% đối với các vụ việc mới phát sinh.
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng, để giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, tránh phát sinh, chính quyền các cấp cần tăng cường hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC cho đội ngũ cán bộ, công chức trong phân loại, xử lý kịp thời. Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, Thanh tra thành phố và Sở Tư pháp cần tập trung tuyên truyền ở khu vực xã, phường, thị trấn. Trong đó, nên hướng dẫn, vận động nhân dân nắm rõ quy trình gửi đơn, xử lý đơn của cơ quan có thẩm quyền, qua đó sẽ hạn chế được tình trạng đơn vượt cấp; một nội dung gửi nhiều nơi, gây khó khăn cho tổng hợp, xử lý.