Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước: Còn khoảng trống về công tác nữ công

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:20, 22/11/2016

(HNM) - Trong xu thế doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước ngày càng nhiều, số nữ công nhân gia tăng đòi hỏi công tác nữ công phải phát triển tương xứng. Tuy nhiên đến nay, toàn TP Hà Nội mới chỉ có khoảng 50 DN ngoài nhà nước có ban nữ công quần chúng.


Thiếu cán bộ nữ công

Yamaha Motor Việt Nam là công ty liên doanh giữa Việt Nam, Nhật Bản và Malaysia, có khoảng hơn 2.000 lao động nữ, chiếm 35% số công nhân. Nữ công nhân Đỗ Thị Tuyết Huệ cho biết, không có ban nữ công quần chúng, những việc chăm lo cho lao động nữ do Công đoàn công ty trực tiếp thực hiện như phát động các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phối hợp, đề xuất với chủ sử dụng lao động ứng trước tiền nghỉ sinh con cho người lao động; thanh toán đầy đủ các ngày nghỉ ốm, khám thai, con ốm…

Tuy nhiên, việc thiếu cán bộ nữ công đã khiến công tác tìm hiểu tâm tư, nắm các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, cần trợ giúp hoặc tổ chức hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nữ công nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, phương pháp tổ chức việc gia đình cũng như phòng chống bạo lực gia đình... rất hạn chế, không kịp thời. Dù thiếu cán bộ nữ công nhưng chị Huệ và các nữ công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam còn may mắn hơn nhiều nữ công nhân lao động khác đang làm việc tại các DN không có tổ chức công đoàn hoặc công đoàn cơ sở hoạt động không hiệu quả.

Theo Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ban nữ công quần chúng do Ban chấp hành công đoàn cùng cấp quyết định thành lập và chỉ định các thành viên. Ban nữ công quần chúng có nhiệm vụ tham mưu Ban chấp hành công đoàn xây dựng chương trình, nội dung công tác vận động nữ công nhân lao động; nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của nữ công nhân lao động phản ánh, đề xuất với Ban chấp hành công đoàn; giám sát thực hiện chế độ, chính sách lao động nữ, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân lao động…

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 8 khu công nghiệp với 144.000 lao động. Trong số 274 DN có tổ chức Công đoàn, có hơn 84.000 lao động nữ, 77.000 nữ đoàn viên. Nhưng đến cuối tháng 10-2016, chỉ có hơn 50 công đoàn cơ sở thành lập được ban nữ công quần chúng; phần lớn các đơn vị còn lại bố trí cán bộ công đoàn phụ trách công tác nữ công. Điều này cho thấy, việc quan tâm đến công tác nữ công, chăm lo quyền lợi cho nữ công nhân còn hạn chế nên lực lượng tham mưu với Công đoàn về công tác này còn mỏng.

Đặc biệt, công tác nữ công là việc kiêm nhiệm, không có thù lao nên không tạo động lực cho cán bộ nữ công tích cực hoạt động. Công tác nữ công tại các DN ngoài nhà nước còn gặp khó khăn do không muốn bớt thời gian sản xuất cho công tác này. Thực tế, phần lớn các DN ngoài nhà nước đang không thực hiện đúng theo Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ.

Cần quan tâm hơn

Yêu cầu về công tác nữ công trong các DN ngoài nhà nước là rất lớn, song hoạt động nữ công còn mờ nhạt. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cho rằng, tổ chức và hoạt động của ban nữ công quần chúng chưa đáp ứng, đồng hành với sự phát triển đa dạng, linh hoạt, địa bàn rộng lớn của các khu công nghiệp và chế xuất. Hoạt động nữ công chưa chủ động, sáng tạo, phù hợp với đặc thù từng DN. Vì thế, hoạt động của ban nữ công quần chúng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, hạn chế trong nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nữ công nhân để tham mưu cho công đoàn cơ sở chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ; hoạt động đối thoại, thương lượng các nội dung có lợi hơn cho nữ công nhân so với pháp luật còn rất ít…

Lao động nữ chiếm phần lớn trong các khu công nghiệp và chế xuất. Nhu cầu về bảo vệ quyền lợi, bảo đảm các chính sách, chế độ cho nữ đoàn viên... đòi hỏi các cấp công đoàn cần nỗ lực nhiều hơn. Trong đó, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự hỗ trợ của chính quyền và quyết tâm của chính các tổ chức Công đoàn cơ sở trong việc thành lập vào chỉ đạo các ban nữ công quần chúng hoạt động. Qua đó, giúp chị em hoàn thành tốt nhiệm vụ và chu toàn cuộc sống gia đình. Quan tâm tốt hơn đến nữ công nhân lao động sẽ góp phần nâng cao uy tín, vai trò của tổ chức Công đoàn cơ sở đối với công nhân lao động và người sử dụng lao động.

Linh Chi