Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 06:33, 23/11/2016
Tại Bảo tàng Hà Nội, Sở VH-TT Hà Nội công bố kết quả thực hiện đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” do Sở phối hợp với các địa phương thực hiện từ năm 2014 đến nay. Việc tổng kiểm kê đã được tiến hành ở 30/30 quận, huyện, thị xã, cho thấy Hà Nội có 1.793 di sản đã được nhận diện, kiểm kê, gồm các loại hình: Ngữ văn dân gian (14 di sản), nghệ thuật trình diễn dân gian (79), tập quán xã hội (hơn 200), lễ hội truyền thống (hơn 1.200), nghề thủ công truyền thống (175 di sản), tri thức dân gian (106 di sản). Số di sản này phân bố ở 509/584 xã, phường, thị trấn. Căn cứ vào kết quả kiểm kê, Sở VH-TT Hà Nội đã chọn 6 di sản độc đáo, đang đứng trước nguy cơ mai một để ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị: Tiếng lóng Đa Chất (xã Đại Xuyên - huyện Phú Xuyên); hát trống quân (huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ); hát và múa Ải Lao (phường Phúc Lợi - quận Long Biên)...
Một số di sản khác như lễ hội đền Và ở phường Trung Hưng (Sơn Tây), hội đền Hát Môn (Phúc Thọ), nghề thêu phục chế xã Đông Cứu (Thường Tín)… đã được Sở VH-TT Hà Nội lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện Sở VH-TT Hà Nội đang trình kết quả tổng kiểm kê đề nghị UBND thành phố xem xét, phê duyệt danh mục các di sản cần bảo tồn, phát huy giá trị.
Dịp này, triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt - Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” và các hoạt động trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể cũng diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội.
* Cùng ngày, triển lãm “Văn thư Triều Nguyễn qua Châu bản - Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” đã khai mạc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 18 đường Vũ Phạm Hàm (Cầu Giấy).
* Là một trong những hoạt động chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam do Bộ VH-TT&DL tổ chức, Ngày hội “Hương sắc vùng cao” diễn ra từ ngày 21 đến 23-11 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư - Hà Nội)...