Hành động vì lợi ích nhân dân

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:05, 24/11/2016

(HNM) - Sau gần một tháng làm việc với tinh thần dân chủ, quyết liệt và đầy trách nhiệm, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã khép lại và hoàn thành khối lượng công việc đặt ra. Điểm nổi bật trong kỳ họp này là Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.


Ngoài việc dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp thì các vấn đề về kinh tế - xã hội đã được đặt ra và thảo luận kỹ lưỡng.

Các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập đang tồn tại như: Điều hành kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; tình trạng đầu tư thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của một số dự án; nợ công đang ở mức cao, công tác xử lý nợ xấu chưa đạt yêu cầu; kỷ luật hành chính chậm được khắc phục; tham nhũng, lãng phí còn tồn tại gây bức xúc…

Từ việc thảo luận kỹ những câu chuyện quốc kế dân sinh, cũng là những vấn đề bức xúc, lo lắng được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước... Qua đó, thống nhất mục tiêu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các ngành, các cấp nỗ lực phấn đấu nhằm đạt được kết quả cao triển khai thực hiện các kế hoạch đã đề ra.

Quốc hội đã đặt ra yêu cầu với Chính phủ, các ngành, các cấp phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục cho được các tồn tại, hạn chế nhằm phát triển kinh tế bền vững, ổn định, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong năm 2017 và các năm tới.

Trong tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, quan điểm đặt ra là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng; xây dựng Nhà nước kiến tạo, cơ chế thị trường ngày càng giữ vai trò quyết định trong việc huy động và tranh thủ các nguồn lực phát triển; xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, có những giải pháp đột phá, có trọng tâm trọng điểm; chủ động hội nhập quốc tế; thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh và bền vững…

Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế đòi hỏi phải có sự thay đổi ngay từ tư duy cho đến cách làm. Như ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh): Tái cơ cấu kinh tế không phải bắt đầu bằng câu hỏi: Tiền ở đâu? Mà phải hỏi thị trường ở đâu? Sản phẩm gì? Thế giới đang làm gì? Thứ nữa là người ở đâu? Có biết công nghệ không, có làm chủ được khoa học kỹ thuật không? Cuối cùng mới là vốn ở đâu, đất ở đâu?

Dẫn như vậy để thấy các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội được thảo luận tại kỳ họp đã rất quyết liệt và sát thực tế. Điều này cũng thể hiện khá rõ trong các cuộc chất vấn và trả lời chất vấn, việc tranh luận, đối thoại trực tiếp về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, các bộ trưởng trực tiếp giải trình, tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận các báo cáo cũng như các dự án luật. Điều này đã tạo không khí làm việc dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.

Có thể nói, kỳ họp thứ hai đã truyền tải tinh thần “đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động" đến bộ máy hành chính cũng như doanh nghiệp. Ngay sau kỳ họp, Chính phủ cùng các ngành, các cấp trong nhiệm vụ quyền hạn của mình cần tập trung đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, bám sát các mục tiêu để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới… đưa những nghị quyết mới được thông qua nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Tuấn Kiệt