Hà Nội phát động ‘Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái’
Xã hội - Ngày đăng : 12:30, 25/11/2016
3.Học sinh trường THPT Bắc Thăng Long hưởng ứng lễ phát động |
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đang là vấn đề báo động hiện nay. Số liệu điều tra Quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy, 34% phụ nữ Việt được hỏi từng bị chồng bạo hành tình dục, 58% đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng dễ bị buôn bán, lạm dụng tình dục và bạo lực ngoài môi trường gia đình.
Với nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức hội trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên phụ nữ, đến nay đã có 687.589 bà mẹ được hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về cuộc sống gia đình; tổ chức 840 buổi tuyên truyền Luật phòng chống bạo lực, Luật bình đẳng giới tới 161.578 cán bộ, hội viên phụ nữ với các hình thức phong phú, đa dạng.
Các đại biểu ký kết Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em gái và phụ nữ. |
Tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Tháng hành động năm 2016, nhằm mục đích huy động sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng. Đặc biệt là sự tham gia của nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Để hoạt động này có hiệu quả, các cấp hội phụ nữ tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình gắn với thực hiện Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, gia đình văn minh hạnh phúc, trong đó tập trung tiêu chí gia đình không có bạo lực…
Sau lễ phát động, các ban, ngành và các tầng lớp nhân dân đã diễu hành tuyên truyền qua các khu dân cư trên địa bàn để thông điệp “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” được lan tỏa trong mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng.