Độ cứng ở gan có thể tiên lượng được nguy cơ ung thư gan
Xã hội - Ngày đăng : 21:07, 25/11/2016
Theo PGS. TS Nguyễn Nghiêm Luật - Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo, ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là loại ung thư chủ yếu của ung thư gan và dẫn đến 746.000 ca tử vong trong năm 2012. Vì vậy, việc phát hiện HCC ở giai đoạn sớm rất quan trọng. Bởi vì việc điều trị HCC bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc ghép gan chỉ hiệu quả ở giai đoạn sớm của bệnh. Hiện nay, chiến lược sàng lọc nhằm phát hiện sớm HCC, gồm: đo AFP huyết thanh và siêu âm ổ bụng 3-4 tháng một lần. Các nguyên nhân của HCC, gồm: viêm gan vi rút B, C, xơ gan, nghiện rượu, béo phì và đái tháo đường, quá tải sắt, nhiễm độc aflatoxin… Điều đáng bàn là các đột biến của vi rút viêm gan B có nguy cơ gây xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan. Những trường hợp HCC được phát hiện ở bệnh nhân viêm gan B mạn tính. Tuy nhiên, trong 100% bệnh nhân nhiễm vi rút viêm gan B có tới 90% người bệnh có cơ chế tự tạo kháng thể để loại bỏ vi rút ra khỏi cơ thể trong vòng 6 tháng. Còn 10% bệnh nhân còn lại sau 6 tháng bị viêm gan B mà không khỏi có nguy cơ dẫn đến viêm gan mạn tính.
Đề cập đến ý nghĩa các dấu ấn vi rút viêm gan B trong theo dõi và điều trị, PGS. TS Trịnh Thị Ngọc - Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, hiện nay, WHO ước tính có khoảng 400 triệu người mang viêm gan vi rút B mạn tính. Trong đó các nước châu Á có đến 2/3 tổng số người mắc viêm gan vi rút B trên toàn cầu. Viêm gan vi rút B mạn tính là bệnh cần được theo dõi và điều trị lâu dài (nếu có chỉ định). Các xét nghiệm cần thiết cho chẩn đoán, chỉ định điều trị, theo dõi và tiên lượng điều trị bao gồm: nhóm định tính (HbsAg, HbeAg, Anti Hbe, Anti-HBc IgM, Anti-HBc total) và nhóm định lượng (HbsAg, Anti-HBs, HbeAg, HBV-DNA). “Con đường lây truyền của vi rút viêm gan B là từ mẹ sang con, lây truyền qua đường máu (tiêm chích, xăm…), lây truyền qua đường tình dục. Về biểu hiện của nhiễm vi rút viêm gan B và mắc bệnh viêm gan B rất kín đáo, chỉ có khoảng 1/3 các trường hợp bệnh nhân viêm gan B có biểu hiện lâm sàng: mệt mỏi, tiểu vàng, củng mạc, mật vàng, viêm mạc dưới lưỡi vàng... Còn đa số các trường hợp các triệu chứng không rõ nên người bệnh dễ bỏ qua. Vì không chú ý đến bệnh nên đa số các trường hợp bệnh nhân đến khám đều ở giai đoạn bệnh muộn như: xơ gan, ung thư tế bào gan... nên việc điều trị khó khăn ít hiệu quả”, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc chia sẻ.
Đề cập đến các phương pháp chẩn đoán xơ gan, bác sĩ Nguyễn Thành Chung-Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cho rằng, hiện có các phương pháp chẩn đoán xơ gan như: Khám lâm sàng, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, CT Scanner, đồng vị phóng xạ…), sinh thiết gan, thăm dò gan qua nội soi ổ bụng. Trong đó, sinh thiết gan được coi như là tiêu chuẩn vàng trong sự đánh giá xơ gan. Tuy nhiên, đây là một phương pháp xâm lấn và tiềm ẩn các nguy cơ nguy hiểm mặc dù tỷ lệ biến chứng là hiếm khi xảy ra. Thêm vào đó, sự chính xác của mẫu sinh thiết cũng là một vấn đề có thể dẫn đến sự sai lệch trong đánh giá xơ gan. Do vậy, FibroScan là một phương pháp mới, được thực hiện trong 10 phút, không đau hoặc có bất kỳ một sự khó chịu nào, cho kết quả ngay, có khả năng phát hiện các giai đoạn xơ hóa hoặc xơ gan.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Chung, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, độ cứng gan có thể cung cấp các thông tin dự báo và tiên lượng nguy cơ xơ gan, ung thư gan và khả năng sống, đặc biệt là ở bệnh nhân viêm gan vi rút B và C mạn tính. Đến nay, FibroScan đã là công cụ được các chuyên gia gan mật sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Nguy cơ phát triển HCC tăng song song với độ cứng của gan, các bệnh nhân có giá trị FibroScan càng cao, nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào gan càng cao. Giá trị độ cứng của gan có thể được xem như một yếu tố nguy cơ độc lập của sự phát triển ung thư biểu mô tế bào gan.