Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo cuộc chiến đấu 60 ngày đêm trong Toàn quốc kháng chiến

Chính trị - Ngày đăng : 07:15, 26/11/2016

(HNM) - Lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam có không ít những trang vàng ngợi ca tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân, dân cả nước, trong đó Hà Nội 60 ngày đêm trong toàn quốc kháng chiến được coi là một dấu son chói lọi, thể hiện ý chí quật cường bảo vệ độc lập, tự do của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.


70 năm sau Ngày Toàn quốc kháng chiến, ôn lại lịch sử, những chiến công hào hùng của quân và dân Thủ đô trong Mùa đông năm 1946 khiến mỗi chúng ta thêm tự hào, đồng thời, rút ra được những bài học lịch sử có giá trị giúp Đảng bộ Thủ đô vững bước trên con đường xây dựng và phát triển.

Đảng bộ Thủ đô lãnh đạo 60 ngày đêm kháng chiến, khởi đầu và đồng hành cùng dân tộc

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhưng, ngay từ những ngày đầu, nhà nước non trẻ đã phải đương đầu với bao khó khăn, thử thách trong tình thế vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Các tập đoàn đế quốc xâm lược đều nắm lấy Hà Nội để thực hiện mưu đồ riêng, đặc biệt là âm mưu của thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.
Đảng bộ Hà Nội luôn nhận thức: Cuộc đấu tranh giữa ta và địch ở Hà Nội có ảnh hưởng quyết định đến sự mất còn của chính quyền nhân dân, của chế độ mới.

Do vậy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Hà Nội đã tập trung mọi nỗ lực để vững vàng lãnh đạo phong trào cách mạng ở Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, bảo vệ vững chắc những thành quả của Cách mạng Tháng Tám, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, Hội nghị quân sự toàn quốc ngày 19-10-1946 đã chia cả nước thành 12 chiến khu, trong đó Hà Nội thuộc chiến khu XI. Tháng 11-1946, chiến khu XI được thành lập. Khu ủy, Ủy ban Bảo vệ và Bộ Chỉ huy Mặt trận khu XI được đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Trung ương, xúc tiến mọi công việc chuẩn bị kháng chiến ở Thủ đô. Đồng chí Nguyễn Văn Trân được cử làm Bí thư Khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ khu XI; đồng chí Lê Quang Đạo làm Phó Bí thư Khu ủy. Đồng chí Vương Thừa Vũ, được cử làm Khu trưởng Mặt trận khu XI, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ khu XI. Đồng chí Trần Quốc Hoàn là phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ bên cạnh Đảng ủy và Ủy ban Bảo vệ thành phố.

Khu ủy khu XI được Trung ương giao nhiệm vụ cụ thể: Khi địch cố tình gây chiến tranh thì phải lãnh đạo quân dân Hà Nội nhanh chóng đánh trả, giành thế chủ động, chiến đấu giam chân địch một thời gian để hậu phương hoàn thành công việc chuẩn bị và tổ chức lực lượng đi vào thời chiến. Phương châm là: Phải tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, nhưng đồng thời phải giữ gìn và phát triển lực lượng của ta để kháng chiến lâu dài.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Khu ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến khu XI đã lãnh đạo quân và dân Hà Nội anh dũng cùng cả nước đứng lên mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần chủ động, sáng tạo, toàn diện.

Đóng góp của quân, dân Thủ đô trong 60 ngày đêm kháng chiến

Với quyết tâm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Thủ đô Hà Nội đã giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố, phát huy vô vàn sáng kiến để diệt địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương Đảng giao phó, đóng góp quan trọng vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn quốc.

Những chiến lũy, ụ chiến đấu, chướng ngại vật được dựng lên khắp các phố phường. Quân, dân Hà Nội dũng cảm đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, dùng chai xăng crếp đốt cháy xe bọc thép, dùng súng trường bắn rơi máy bay địch. Nhiều trận đánh quyết liệt đã diễn ra ở Bắc Bộ Phủ, Sở Bưu điện, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Giảng Võ, phố Hàng Thiếc, khu vực chợ Đồng Xuân... Cuộc chiến đấu kiên cường của quân, dân Hà Nội đã thu hút đông đảo quần chúng Thủ đô tham gia, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp.

Trận chiến oai hùng 60 ngày đêm của quân, dân Thủ đô mở đầu kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp là một trong những trang sử chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Trong chiến đấu, đã tiêu diệt 2.000 tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới; thực lực của ta không những được bảo toàn mà còn phát triển, từ 5 tiểu đoàn Vệ quốc quân lúc mới nổ súng đã xây dựng thành 3 trung đoàn lúc rút khỏi thành phố. Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, kìm chân địch trong 2 tháng (19/12/1946 - 17/2/1947), gấp đôi thời gian Trung ương giao cho Thủ đô; đánh bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của địch, tạo điều kiện để các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước được bảo vệ và rút lên chiến khu an toàn.

Đêm 14-2-1947, Quân ủy Trung ương hội ý cấp tốc, báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương cho phép rút Trung đoàn Thủ đô ra ngoài sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao vây, kìm chân địch. Sáng 15-2-1947, Hồ Chủ tịch và đồng chí Trường Chinh đồng ý để Trung đoàn rút ra ngoài với phương châm tổ chức chu đáo, an toàn, bí mật.

Có thể khẳng định, cuộc chiến đấu hào hùng và thắng lợi của quân dân Hà Nội mùa Đông năm 1946 đã phát huy cao độ nghệ thuật quân sự của cha ông ta “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, sử dụng mọi vũ khí có trong tay, đặc biệt chiến thuật kết hợp “trong đánh, ngoài vây”, “trong ngoài cùng đánh”; là minh chứng sinh động cho nghệ thuật chiến tranh nhân dân theo đường lối, tư tưởng quân sự đúng đắn, ưu việt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, nêu cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền Hà Nội cũng như khu XI trong chỉ đạo triển khai sáng tạo, có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Bài học cho hôm nay

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội năm 1946 đã đem lại thắng lợi bước đầu quan trọng cho cuộc kháng chiến toàn quốc; bồi đắp thêm truyền thống bất khuất của Thủ đô ngàn năm văn hiến, đồng thời góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của một dân tộc anh hùng. Thắng lợi của 60 ngày đêm kháng chiến tại Thủ đô cũng đem lại cho chúng ta bài học lịch sử quý giá. Đó là bài học về xây dựng và tổ chức lực lượng.

Để có được thắng lợi lịch sử 60 ngày đêm năm 1946, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng bộ Hà Nội đã chủ động xây dựng và tổ chức được đội ngũ những chiến sĩ cộng sản với hơn 500 đảng viên và lực lượng quần chúng đông đảo ở các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Được giáo dục và rèn luyện trong thời kỳ đầy gian nan, thử thách của cách mạng, mỗi đảng viên đều vững vàng, nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, tinh thần chiến đấu, hy sinh quên mình vì độc lập dân tộc; luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, tuyên truyền, vận động, tổ chức để nhân dân thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ quan trọng trong kháng chiến. Đảng bộ Hà Nội luôn quan tâm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở các cấp cơ sở. Chính do cách bố trí và sử dụng cán bộ theo phương pháp tổ chức chặt chẽ, tinh gọn, thống nhất từ trên xuống dưới mà Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, quân, dân Thủ đô và giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu không cân sức.

Suốt chiều dài lịch sử, Thủ đô Hà Nội luôn là niềm tự hào, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người, nhất là khi đương đầu và đánh bại những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất. Lớp lớp thế hệ người Hà Nội đã kế tục và phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường chống ngoại xâm, sáng tạo trong lao động, đoàn kết nhân ái, bao dung trong đối nhân xử thế, tạo nên một “Kinh đô - Thủ đô ngàn năm văn hiến” và những chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Huyền thoại “Hà Nội 60 ngày đêm quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, kỳ tích “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, là những mốc son chói lọi, thắng lợi oanh liệt của quân dân Hà Nội trong lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô và đất nước.

Với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Thủ đô Hà Nội cũng là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch tập trung chống phá quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh tình hình an ninh, chính trị trong khu vực và trên thế giới những năm gần đây có nhiều diễn biến phức tạp. Vì thế, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Thủ đô, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước trong quá trình phát triển.

Sự kiện Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh trong 60 ngày đêm năm 1946 đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca Mùa đông bất tử. Tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện lịch sử vĩ đại này soi rọi vào công cuộc đổi mới để hội nhập hôm nay.

Tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, từ bài học lịch sử của 60 ngày đêm kháng chiến bảo vệ Thủ đô, Đảng bộ TP Hà Nội hôm nay sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, đổi mới và sáng tạo, tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố; xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; xứng đáng với truyền thống văn hiến, Thủ đô Anh hùng - Thành phố Vì hòa bình; viết tiếp những trang sử vàng của Thủ đô và đất nước.

NGÔ THỊ THANH HẰNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội