Góp với đất trời một chút xanh
Kinh tế - Ngày đăng : 16:26, 27/11/2016
Công nhân Truyền tải Điện miền Đông 1 tỉa lá mía khô đề phòng cháy trong hanh lang tuyến. |
Ở Đồng Nai bây giờ, rừng rậm nguyên sinh bạt ngàn bị khai thác gần cạn làm cho đất đai bị xói lở, bào mòn. Các khu công nghiệp mới đang hình thành và phát triển... cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho môi trường sinh thái bị phá vỡ trạng thái cân bằng. Những năm gần đây xuất hiện nhiều trận mưa có cường độ rất lớn gây lũ quét, năm 96, 97 nhiều nơi có mưa đá và gió lốc mạnh... Những biểu hiện đó cho thấy khí hậu không ổn định, nổi bật là thời gian bắt đầu và kết thúc mùa xê dịch trong một khoảng khá rộng giữa năm này và năm khác. Mùa mưa ở Đồng Nai có năm bắt đầu từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, nhưng cũng có năm bắt đầu từ giữa đến cuối tháng 5 hoặc muộn hơn. Cũng tương tự như vậy, khoảng kết thúc mùa mưa dao động từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 12. So với các tỉnh miền Tây Nam Bộ mức độ dao động này cao hơn từ 10 - 15 ngày.
Kiểm tra , bảo dưỡng cột và các tuyến đường dây trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai |
Các đường dây truyền tải điện khi xây dựng, thường được tiết kế đi qua vùng thưa dân cư, mà đã thưa dân cư thì chủ yếu là vùng rừng thiêng nước độc, giao thông khó khăn. Trong khi đó, khí hậu và địa hình là các yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới công tác quản lý vận hành của người làm công tác truyền tải. Chưa nói đến thiên tai, chỉ riêng khí hậu không ổn định, thì việc thực hiện kế hoạch cũng bị xáo trộn theo. Ví dụ như, trước đây, thông thường ở Đồng Nai, mưa bắt đầu từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, nhưng mấy năm gần đây, mưa bắt đầu từ cuối tháng 5 thậm chí muộn hơn, công tác dọn dẹp hành lang cũng phải “lựa” theo thời tiết. Truyền tải điện miền Đông 1 là đơn vị trực thuộc Công ty Truyền tải Điện 4 với chức năng, nhiệm vụ quản lý vận hành các tuyến đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp từ 220kV đến 500kV đi qua 05 tỉnh, thành khu vực phía Nam (gồm tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, một phần tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Thuận và TP. HCM). Theo đó, quản lý vận hành 36 tuyến đường dây (gồm 28 tuyến đường dây 220kV, 08 tuyến đường dây 500kV) và 11 Trạm biến áp (02 trạm 500kV và 09 trạm 220kV), với tổng chiều dài đường dây 500kV là 458,3 km; tổng chiều dài đường dây 220kV là 912,5 km; tổng dung lượng MBT trạm 500kV là 2.150 MVA và tổng dung lượng MBT trạm 220kV là 4.708 MVA.
Lưới truyền tải điện do Truyền tải điện Miền Đông I quản lý vận hành có đặc thù phân bố trên địa hình rất phức tạp, đi qua các khu công nghiệp, vùng Dự án, các địa điểm thường xuyên có hoạt động thi công trong và gần hành lang đường dây…nên công tác tuyên truyền trong cộng đồng về công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp luôn được quan tâm hàng đầu.
Truyền tải điện Miền Đông I luôn chủ động kiểm tra thực địa nên trong 10 tháng đầu năm 2016, trên các tuyến đường dây và Trạm biến áp do Truyền tải điện miền Đông 1 quản lý không có xảy ra trường hợp mất cắp thiết bị, phụ kiện lưới điện nào.
Chủ động làm việc với chính quyền địa phương để nắm rõ tình trạng hành lang, đặc biệt là ở các khu vực dễ gây cháy như khu nguyên liệu mía, rừng tràm ...giúp cho công tác tuyền truyền bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp có hiệu quả hơn khi triển khai các hình thức: Dán panô, áp phích, phát tờ rơi, thăm và tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở những địa phương có đường dây đi qua, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa thể thao… nhắc nhở thường xuyên các chủ cây, nông - lâm trường, chủ cơ sở hoạt động vận tải, người điều khiển cẩu, tài công xáng cạp hoạt động gần nơi hành lang bảo vệ an toàn đường dây 220kV và 500kV.
Khi chúng tôi có mặt ở miền Đông, cũng là vào thời đểm các Đội Truyền tải của Truyền tải miền Đông 1 tập trung tuốt lá mía phòng chống cháy trong hành lang lưới điện cho mùa khô 2016-2017. Việc tuốt là mía cho các hộ dân cũng không đơn giản. Ruộng mía là tài sản của người dân, mà đã là tài sản riêng thì không ai muốn người lạ xâm phạm vào dưới mọi hình thức.
Vụ cháy ruộng mía của Nhà máy đường Biên Hòa xảy ra hồi tháng 3-2014, lan vào khu vực phòng hộ của đường dây 220 kV Bảo Lộc - Long Bình gây nên sự cố phóng điện. Ngay sau khi xảy ra cháy, Truyền tải điện Miền Đông 1 và các lực lượng của địa phương đã khẩn trương chữa cháy.Nhưng do đám cháy quá lớn, lan rộng cộng với thời tiết hanh khô nên việc khống chế hỏa họa gặp nhiều khó khăn. Nên từ xảy ra cháy từ chiều ngày 21-3 đến trưa ngày hôm sau đám cháy mới được dập tắt. Vụ cháy làm dây dẫn bị hư hỏng.
Mỗi sự cố dù là nguyên nhân khách quan đều là một bài học sâu sắc về công tác quản lý vận hành đường dây cho người làm công tác truyền tải. Vì vậy, sau sự cố cháy ruộng mía, các Đội Truyền tải của miền Đông 1 đã đi vận động, thuyết phục để người dân hiểu được những thiệt hại khôn lường từ nguyên nhân rất “rất nhỏ, rất vô tình” của người dân gây ra cháy những ruộng mía trồng trong và gần hành lang lưới điện, một lần chưa được thì 2 lần, 3 lần, nhiều lần…để người dân đồng ý cho tuốt lá mía đã khô.
Đến nay, các Đội Truyền tải của miền Đông 1 đã tuốt lá mía được 57.500 m2, trong và gần hành lang các tuyến đường dây 500kV Phú Mỹ-Nhà Bè, 500kV Di Linh-Tân Định, 500kV Phú Mỹ-Sông Mây, 500kV Vũng Tàu-Sông Mây, 500kV Sông Mây-Tân Định, 220kV Nhơn Trạch-Tp. Nhơn Trạch, 220kV Nhơn Trạch-Nhà Bè, 220kV Trị An-Biên Hòa, 220kV Trị An-Sông Mây, 220kV Sông Mây-Uyên Hưng, 220kV Bảo Lộc-Long Bình; Chặt hạ 2.334 cây, chủ yếu là các loại cây có nguy cơ cháy cao như cao su, tràm, keo, bạch đàn có chiều cao vi phạm khoảng cách an toàn tại các tuyến dường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây; 220kV Hàm Thuận – Long Thành & Đa Mi – Xuân Lộc, Tân Thành - Bà Rịa, Phú Mỹ - Tân Thành, Hàm Thuận – Xuân Lộc – Long Thành, Hàm Thuận – Long Thành & Xuân Lộc – Long Thành và Long Thành – Phú Mỹ.
Nói đến làm sạch hành lang an toàn lưới điện cao áp, thường thì mọi người đều nghĩ đến làm thế nào để trong hành lang không còn cây xanh hoặc thực bì là dấu vết của thực vật đã chết. Nếu hiểu như vậy cũng không sai, nhưng đối với những người lính truyền tải gắn bó gần như cả cuộc đời với núi rừng, gần gũi với cây cỏ, họ rất yêu thiên nhiên, với màu xanh của lá và màu sắc rực rỡ của hoa nên họ thường tận dụng những khoảnh đất hiếm hoi trong khuôn viên vốn đã chật chội bởi sắt thép, cột kèo của các Trạm biến áp để trồng hoa, cây cảnh, cây ăn trái phù hợp với quy định về phát triển độ cao của cây trồng, không ảnh hưởng tới công tác vận hành. Trên các tuyến đường dây bảo đảm tiêu chí “sạch-đẹp” nhưng vẫn phải có màu xanh.
Những người lính truyền tải đi vận động người dân trồng những giống cây như dứa, sắn vừa tận dụng đất trong hành lang có hiệu quả, vừa đem lại màu xanh làm đẹp hành lang lưới điện mà không ảnh hưởng tới công tác vận hành. Cũng như các đơn vị Truyền tải thuộc Công ty Truyền tải điện 4, Truyền tải điện miền Đông 1 đã triển khai hưởng ứng "Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2016". Thông qua chiến dịch hưởng ứng này đã nâng cao ý thức, nhận thức của CBCNV về bảo vệ môi trường; hiểu rõ về thực trạng môi trường cũng như cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết, phù hợp cho các hoạt động bảo vệ môi trường hướng tới một môi trường sống trong lành, bền vững.
Truyền tải điện miền Đông 1 là đơn vị luôn tuân thủ và thực hiện các quy định pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường như: thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ theo đúng quy định của Thông tư 36/TT-BTNMT, ký hợp đồng với đơn vị chức năng để thu gom và xử lý chất thải, rác sinh hoạt, … Nhằm bảo đảm các hoạt động tại các cơ sở không gây tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh, chương trình giám sát chất lượng môi trường được áp dụng trong suốt thời gian hoạt động tại đơn vị như: Đo cường độ điện trường hằng năm, tổ chức phân loại và lưu giữ chất thải tại khu vực lưu giữ chất thải nguy hại tạm thời, phong trào xây dựng đường dây và trạm biến áp kiểu mẫu xanh – sạch – đẹp luôn được quan tâm và đưa vào tiêu chí chấm điểm thi đua, .v.v. Thực hiện ra quyết định cử cán bộ phụ trách môi trường tại các trạm biến áp, đội truyền tải điện với nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, thực hiện đầy đủ các quy định về công tác môi trường; kịp thời báo cáo về Truyền tải và phối hợp với cơ quan địa phương quản lý tốt công tác môi trường tại đơn vị mình.
Lớp phủ mặt đệm của miền Đông Nam bộ thay đổi do con người khai phá rừng tràn lan, từ lúc rừng tự nhiên chiếm trên 40%, nay chỉ còn trên dưới 20% so với tổng diện tích đất đai. Đến nay nhiều khu công nghiệp đang phát triển và hình thành thì điều đáng lo ngại là các chất thải công nghiệp như khói bụi nếu không được xử lý tốt thì môi trường bị suy thoái sẽ dẫn đến những biến đổi thời tiết và khí hậu.
Mùa khô đang sầm sập ngay trước mặt, những rừng cao su, rừng tràm, rừng tự nhiên …lá đang xanh bỗng còi cọc vì nắng hạn, vì những cơn gió nóng lùa qua từng khu rừng, thì việc giữ gìn màu xanh trong từng tấc đất trong hành lang lưới điện, trong từng trạm biến áp như “Góp với đất trời một chút xanh” của những người lính truyền tải điện.