Thời kỳ “tươi đẹp” nhất trong thập kỷ qua

Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:08, 27/11/2016

(HNM) - Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt nguồn từ cú đổ vỡ tín dụng bất động sản thứ cấp, thị trường địa ốc Mỹ đã lần đầu tiên chứng kiến doanh số các giao dịch nhà ở đạt mức tăng cao nhất trong một thập kỷ qua.

Thị trường địa ốc Mỹ tăng cao trong tháng 10. Ảnh: huffingtonpost



Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Môi giới bất động sản Mỹ (NAR), tổng giá trị giao dịch nhà ở trong tháng qua ở Mỹ, gồm nhà liền kề, căn hộ cao cấp... đạt mức 5,6 triệu USD, tăng 2% so với tháng trước. Tốc độ bán hàng tăng 5,9% so với năm 2015 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 2-2007. Giá trung bình của các loại nhà trong tháng 10 là 232.200 USD/căn, cao hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng thứ 56 liên tiếp ghi nhận mức tăng. Trong báo cáo, nhà kinh tế trưởng của NAR, ông Lawrence Yun, cho rằng, nhu cầu mua bất động sản bắt đầu tăng mạnh kể từ mùa hè. Nguyên nhân là do nhiều hộ gia đình đã tận dụng thời cơ lãi suất vay tín chấp mua nhà có nhiều thuận lợi để tìm mua nhà mới. Ngoài ra, những yếu tố như thị trường việc làm tốt hơn, nền kinh tế với những dấu hiệu phục hồi, tiền lương được cải thiện và mức lãi suất cho vay thấp đã giúp kích cầu người mua.

Theo dự báo của các nhà kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng 2,7% trong năm nay - mức cao nhất kể từ cuộc "Đại suy thoái" năm 2008, nhờ chi tiêu tiêu dùng tiếp tục gia tăng. Vì vậy, xu hướng giá nhà đất sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do số lượng người tìm mua sẽ vượt quá nguồn cung có sẵn trên thị trường. Trong đó, 5 thành phố có tỷ lệ bất động sản đắt đỏ nhất nước Mỹ là San Jose, San Francisco, Anaheim - Santa Ana, Honolulu và San Diego. Vì giai đoạn khủng hoảng và suy thoái kinh tế từ năm 2007 đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc rời bỏ thị trường nên xuất hiện tình trạng thiếu cung, nhất là ở phân khúc nhà trung bình và giá thấp. Các nhà phát triển bất động sản hiện nay của Mỹ lại tập trung vào phân khúc cao cấp và siêu sang khiến nguồn cung những ngôi nhà có mức giá trung bình trở nên thiếu hụt. Tính đến cuối quý III, toàn thị trường có 2,21 triệu căn nhà được chào bán, giảm so với mức 2,28 triệu căn ghi nhận trong cùng kỳ năm 2014. Vì thế, nhiều đại lý bất động sản cho biết, thời gian quyết định ký hợp đồng mua nhà của khách hàng đang có xu hướng rút ngắn lại và điều này có lợi cho người bán. Tuy nhiên, về lâu dài, chênh lệch cung cầu đẩy giá lên quá cao không phải là hướng phát triển bền vững.

Sau “cơn địa chấn” năm 2008, thị trường bất động sản Mỹ vẫn cần thêm thời gian để hồi phục hoàn toàn. Hiện tại, các nhà đầu tư đang hy vọng những quyết sách hợp lý sẽ được đưa ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Quỳnh Chi