Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục - Ngày đăng : 06:48, 28/11/2016
Nhiệm vụ xuyên suốt
Đầu mỗi năm học, ngoài việc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, một trong những nội dung trọng tâm được lãnh đạo Ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm là công tác bảo đảm an toàn sức khỏe, phòng tránh TNTT cho HS.
Buổi học an toàn giao thông của học sinh Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội. |
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GD-ĐT Hà Nội) khẳng định: Nhiều năm qua, công tác bảo đảm sức khỏe, phòng tránh TNTT cho HS tại các trường học trên địa bàn thành phố luôn nhận được sự quan tâm của thành phố, sự chung tay của các cấp, ngành và chính quyền địa phương nơi trường đóng. Nội dung phòng tránh TNTT không chỉ được đưa vào các giờ học chính khóa, mà còn được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, tại các buổi hoạt động ngoại khóa… Phòng tránh TNTT đã trở thành nội dung giáo dục quan trọng không thể thiếu nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ở mỗi nhà trường.
Kế hoạch phòng tránh TNTT cho HS Thủ đô được xây dựng theo một lộ trình dài với những mục tiêu, đầu việc cụ thể từng giai đoạn. Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng tránh TNTT giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu xuyên suốt trong giai đoạn này của các nhà trường là xây dựng “Trường học an toàn”, từng bước giảm tỷ lệ mắc và tử vong do TNTT trong học đường so với giai đoạn 2010-2015.
Mỗi ngành một đầu việc
Tùy theo từng cấp học, theo lứa tuổi, đặc điểm địa bàn, thời gian mà nội dung của công tác bảo đảm an toàn, phòng tránh TNTT cho HS được xác định với những đầu việc khác nhau. Với trẻ mầm non, việc bảo đảm an toàn sức khỏe là nhiệm vụ thường xuyên tại mỗi nhà trường bởi lứa tuổi các bé quá nhỏ, chưa thể tự nhận biết và ứng phó với các nguy cơ mất an toàn xung quanh. Việc xây dựng bếp một chiều, mua sắm đồ dùng, đồ chơi bảo đảm tiêu chuẩn, rà soát điều kiện cơ sở vật chất… được thực hiện ở 100% trường mầm non. Công tác giám sát sức khỏe các bé được coi trọng tại giờ đón - trả trẻ hằng ngày nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ về dịch bệnh.
Với HS phổ thông, việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về an toàn giao thông; kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh TNTT được triển khai thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng. Năm học 2016-2017 là năm học thứ ba các trường trên địa bàn thành phố thực hiện quy chế phối hợp giữa ngành và lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy về việc triển khai công tác này. Đây là nhiệm vụ được lãnh đạo thành phố và ngành đặc biệt quan tâm, bởi với mạng lưới hơn 2.500 trường học (trong đó có tới 1.300 trường có bếp ăn), hệ thống trang thiết bị dạy học ngày càng hiện đại, nguy cơ cháy nổ càng lớn. Các khóa tập huấn về việc phòng hỏa, thoát người được triển khai tại 30 quận, huyện, thị xã.
Việc phòng chống đuối nước cũng là một nội dung được quan tâm trong những năm gần đây. Điểm khác biệt trong việc thực hiện nội dung này trong hai năm trở lại đây là HS không chỉ được dạy biết bơi, mà còn được cung cấp kỹ năng cơ bản để ứng phó với các tình huống nguy hiểm với nước, đơn cử như khi gặp bạn bị đuối nước thì xử trí nhanh và hiệu quả nhất ra sao, chứ không phải cứ thấy bạn vẫy vùng dưới nước là cùng nhảy xuống nước như nhiều trường hợp đã làm. Nhiều đơn vị đã triển khai hiệu quả công tác này như Thanh Trì, Thanh Xuân, Long Biên, Cầu Giấy…
Thông tin từ hội nghị thế giới lần thứ 12 về phòng tránh TNTT và thúc đẩy an toàn diễn ra tháng 9 vừa qua cho thấy, nguy cơ TNTT về giao thông là mối hiểm nguy lớn nhất với số người chết do tai nạn giao thông hằng năm là 1,25 triệu người, tương ứng khoảng 3.400 người/ngày. Tại Hà Nội, điểm nhấn về nội dung giáo dục kiến thức an toàn giao thông được triển khai từ vài năm nay thông qua mô hình quản lý HS đi xe máy, Quy chế 167/QCPH/ SGD&ĐT-CATP về bảo đảm an toàn trường học, về áp dụng các hình thức xử phạt nặng với các trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy tham gia giao thông.
Mới đây, Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong Ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu trọng tâm của phong trào không chỉ nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông, mà còn xây dựng và giáo dục văn hóa giao thông cho HS các nhà trường. Đây được coi là nền tảng bền vững cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường ở Thủ đô.