Thu hút đầu tư nước ngoài: Việt Nam - Điểm đến lý tưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:21, 28/11/2016
Sản xuất đồ điện tử tại Công ty Canon Việt Nam.Ảnh: Nhật Nam |
Lượng vốn giải ngân tăng
Từ đầu năm đến nay, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bất động sản với tổng vốn đăng ký là hơn 17,6 tỷ USD, bằng gần 92% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp (DN) ĐTNN cũng duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là một diễn biến tích cực, nhất là xét trong bối cảnh khối DN trong nước còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sở dĩ kết quả thu hút vốn ĐTNN vẫn duy trì được đà tăng trưởng là do Chính phủ tập trung cải thiện sức cạnh tranh và chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh với tinh thần vì DN. Luật Đầu tư và Luật DN đi vào cuộc sống, đã xác định rõ đối tượng thụ hưởng và được hỗ trợ là cộng đồng DN. Chính phủ, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng nhất quán quan điểm coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam.
Thực tế trên cũng lý giải vì sao Báo cáo DN Châu Á 2016 đã xếp Việt Nam đứng thứ 3 Châu Á và đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về độ hấp dẫn đầu tư. Những tiềm năng, lợi thế nổi bật của Việt Nam được giới đầu tư quốc tế đánh giá cao là: Tình hình chính trị ổn định, dân số đông - thị trường lớn, vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương, môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện và cạnh tranh. Trên thực tế, một số tập đoàn hàng đầu thế giới, với sức mạnh về vốn và công nghệ như LG, Samsung, Microsoft ngày càng tập trung vào Việt Nam để triển khai những dự án sản xuất, phục vụ mục tiêu xuất khẩu ra thị trường toàn cầu. Ngoài ra, DN của EU và Mỹ đang tỏ rõ ý định quan tâm, mong muốn đầu tư vào Việt Nam.
Một kết quả đáng khích lệ là mức vốn ĐTNN giải ngân đạt hơn 12,7 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, số vốn thực chất đã được “tiêu hóa”, chuyển thành dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị tại các dự án cụ thể đang trên đà gia tăng, sẵn sàng mở rộng quy mô sản xuất cho nền kinh tế.
Có thể thu hút tới 21 tỷ USD
Dự báo, trong 3-5 năm tới, một số lĩnh vực quan trọng như năng lượng, xây dựng - bất động sản, công nghiệp chế biến, dược phẩm sẽ tiếp tục đón nhận dòng vốn ĐTNN. Đặc biệt, đà tăng trưởng trong thu hút vốn ĐTNN đang hiện hữu tại nhiều đô thị lớn.
Đơn cử, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã thu hút được 2,8 tỷ USD vốn mới, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ; với nhiều dự án có hàm lượng chất xám cao, phù hợp với định hướng ưu tiên lựa chọn dự án công nghệ cao. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, TP Hải Phòng đã thu hút hơn 2 tỷ USD vốn ĐTNN. Đặc biệt, thời gian tới, dự kiến có thêm 2 dự án đầu tư vào Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, với tổng vốn hơn 1 tỷ USD. Đây sẽ trở thành điểm nhấn trong bức tranh thu hút đầu tư của Hải Phòng năm 2016.
Ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, địa phương đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân dành cho khu kinh tế ven biển để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Một số địa phương khác, nhất là các tỉnh ven biển miền Trung cũng đang bứt phá, liên tục đón tiếp các doanh nhân nước ngoài đến tìm hiểu, tiến tới nghiên cứu dự án khả thi để xin cấp phép đầu tư vào Việt Nam.
Trong một diễn biến mới nhất, đã xuất hiện một số dự án ĐTNN quy mô lớn đang trong quá trình nghiên cứu, có thể tiến tới thực hiện đăng ký trong thời gian tới. Nhìn chung, tình hình và mức độ khả thi của các dự án là sáng sủa. Theo các chuyên gia, kết quả thu hút, sử dụng vốn ĐTNN năm 2016 vẫn sẽ khả quan, có bước tăng tiến so với năm ngoái, đánh dấu sự thành công về hấp dẫn dòng vốn "ngoại" cũng như xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế thành công của Việt Nam. Nếu không có gì thay đổi lớn, ước tính lượng vốn ĐTNN “chảy” vào Việt Nam trong năm 2016 có thể đạt mức 20-21 tỷ USD.