Đối tác trách nhiệm và tin cậy
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:17, 28/11/2016
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Cộng đồng Pháp ngữ, khẳng định Việt Nam là một đối tác có trách nhiệm và tin cậy trong Cộng đồng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 tại thủ đô Antananarivo của Madagascar. |
Được thành lập tháng 3-1970, Cộng đồng Pháp ngữ hiện có 57 thành viên chính thức, 23 quan sát viên với tổng số người nói tiếng Pháp vào khoảng hơn 1 tỷ người. Bên cạnh yếu tố tương đồng ngôn ngữ, mục tiêu chung gắn kết Cộng đồng cũng bao gồm các vấn đề thiết lập và phát triển dân chủ, phòng ngừa xung đột, hỗ trợ nhà nước pháp quyền và quyền con người, tập trung tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh, tạo quan hệ gần gũi giữa các dân tộc thông qua hiểu biết lẫn nhau, chú trọng tới tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc thông qua các hoạt động hợp tác đa phương.
Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Pháp ngữ năm 1979. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng cải thiện và phát triển. Trong quá trình phát triển đất nước, Việt Nam đã tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu của Cộng đồng Pháp ngữ về nguồn vốn, chất xám và kỹ thuật. Cộng đồng là diễn đàn để Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại, kênh ngoại giao quan trọng để tăng cường quan hệ song phương. Quan điểm này tiếp tục được thể hiện trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang có một loạt hoạt động tiếp xúc song phương với các nguyên thủ, lãnh đạo và trưởng đoàn các nước thành viên...
Những năm gần đây, Cộng đồng Pháp ngữ và các cơ quan thực thi cũng đã phối hợp với một số nước thành viên thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam. Thông qua những sự hợp tác tốt đẹp, Việt Nam được xếp vào nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ, nhiều lần được Cộng đồng tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như: Chủ tịch Hội đồng Thường trực Pháp ngữ năm 1996, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ nhiệm kỳ 1996-1997, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao nhiệm kỳ 1997-1998... và gần đây là Chủ tịch Vùng Châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2017.
Đáng chú ý, kể từ khi Việt Nam chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (tháng 6-2014), Cộng đồng Pháp ngữ cũng bày tỏ quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Giáo sư Frederic Ramel thuộc Viện Nghiên cứu chính trị Paris từng nhận định rằng, Cộng đồng Pháp ngữ có thể đóng vai trò tích cực trong vấn đề gìn giữ hòa bình trên thế giới khi có tới 22% các điểm nóng hiện nay đều thuộc các nước Pháp ngữ. Trên tinh thần này, tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16, Chủ tịch nước Trần Đại Quang một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các thành viên cộng đồng tích cực tham gia vào các nỗ lực quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định tại các nước thành viên và trên thế giới.
Đồng thời, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục có tiếng nói khách quan về tình hình Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Có thể thấy, trong suốt hơn 40 năm tồn tại và phát triển qua nhiều giai đoạn, Cộng đồng Pháp ngữ đã lớn mạnh không ngừng và chuyển mình mạnh mẽ để khẳng định vai trò toàn cầu, hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh ấy, bên cạnh những đóng góp vì sự phát triển chung, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh cải cách kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực luôn đề cao sự hợp tác, hỗ trợ của Cộng đồng Pháp ngữ nói chung và các nước thành viên nói riêng, đồng thời nỗ lực để đóng góp cho sự thành công của Cộng đồng trong giai đoạn mới.