Nhất quán giữa lời nói và việc làm

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:00, 30/11/2016

(HNM) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với các vị bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên họp tập thể Chính phủ tháng 11-2016. Trước đó, trong bài phát biểu ngày 20-10 tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ luôn đề cao phương châm lời nói đi đôi với hành động, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm”.


Nói vậy để thấy, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua đã đem lại những kết quả đáng mừng. Đó là: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 tiếp tục chuyển biến tích cực. Từ đó góp phần vào kết quả tích lũy chung cả năm 2016 được dự báo là: Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; dư nợ tín dụng tăng khá, mặt bằng lãi suất giảm; xuất khẩu cả năm ước tăng khoảng 8%, trong khi vốn FDI thực hiện tăng gần 8%. Đặc biệt, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới lần đầu tiên có thể đạt và vượt 100.000 DN/năm… Khái quát, có thể khẳng định chúng ta cơ bản đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 như đã báo cáo Quốc hội.

Tuy nhiên, không thể hài lòng với kết quả đã đạt được, bởi phía trước vẫn còn rất nhiều thách thức đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ để vượt qua. Điển hình trong số này là ngay tại buổi tiếp xúc với lãnh đạo Bộ Tài chính tổ chức ngày 28-11, nhiều DN phản ánh những tồn tại trong lĩnh vực thuế, hải quan, nhất là thái độ phục vụ của cán bộ khiến DN e ngại. Đó là nhiều quyết định xử phạt thiếu thuyết phục; giải quyết thủ tục qua mạng nhiều khi lâu hơn làm thủ công…, thậm chí buộc DN phải “leo rào” vì những thủ tục vặt. Những rào cản trên hành trình “nhất quán giữa lời nói và việc làm” ở đâu đó không chỉ là điểm nghẽn về thủ tục hành chính, mà nếu không được giải quyết triệt để sẽ dễ phát sinh những vấn đề phức tạp, khó lường, gây bất lợi cho môi trường đầu tư. Điều này đòi hỏi sức nóng và sự thôi thúc của cải cách cần phải mạnh mẽ hơn nữa đủ để thấm tới hành vi và thái độ của từng công chức ở cơ sở để mỗi người dân và DN có thể cảm nhận, yên tâm.

Thời gian qua, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp liêm chính, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật kỷ cương. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu… Do đó, thời gian tới rất cần đẩy mạnh xã hội hóa, tách cung ứng dịch vụ công và quản lý sản xuất kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính nhà nước với việc tập trung rà soát, loại bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức và các thủ tục hành chính có liên quan đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân; nghiên cứu khung pháp lý về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân, DN. Đây là những việc hết sức cần thiết để xây dựng một nền hành chính phục vụ, một Chính phủ liêm chính, kiến tạo.

Rõ ràng, chỉ đạo rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm còn có thể hiểu là một sự thấu cảm, một lời phát động của Thủ tướng, không chỉ dành cho Chính phủ mà cho cả bộ máy hành chính các cấp. Trước mắt, mệnh lệnh đó cần được giám sát, thực thi nghiêm để mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm đạt kết quả cao và sau đó, như chỉ đạo của Thủ tướng, là đẩy lùi tư tưởng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” sau kỳ nghỉ Tết.

Đỗ Quỳnh Chi