Giữ màu xanh cho rừng Hương Sơn
Đời sống - Ngày đăng : 07:21, 30/11/2016
Rừng đặc dụng Hương Sơn có tổng diện tích tự nhiên hơn 4.700ha. Những năm gần đây, diện tích rừng đặc dụng Hương Sơn được bảo vệ chặt chẽ; không có cháy rừng. Các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng đều được phát hiện ngăn chặn kịp thời. Đạt được kết quả trên là nhờ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn và chính quyền địa phương.
Mặc dù vậy, theo ông Nghiêm Xuân Lừng, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn, áp lực xâm hại đến rừng rất lớn và vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Ở gần rừng đặc dụng Hương Sơn có nhiều dân tộc sống xen kẽ, điều kiện kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, lao động thiếu việc làm nhiều nên thường xuyên vào rừng lấy củi, sản xuất... gây khó kiểm soát hành vi gây hại cho rừng. Đặc biệt, trong vùng lõi của rừng đặc dụng có quần thể di tích lịch sử chùa Hương, hằng năm thu hút hàng triệu lượt du khách vào tham quan và du lịch... nếu không làm tốt công tác cảnh báo du khách đốt hương, vàng mã sẽ gây cháy rừng rất cao.
Để làm tốt công tác bảo vệ và PCCCR, ngay từ đầu năm, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức, Ban Quản lý thắng cảnh Hương Sơn và UBND 4 xã có rừng xây dựng phương án PCCCR. Kế hoạch được xây dựng chi tiết từng tuần, tháng và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, công chức, người lao động nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, canh gác PCCCR 24/24 giờ, đặc biệt trong mùa lễ hội và mùa hanh khô. Trong năm 2016, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn đã xây dựng 5km đường băng cản lửa giúp PCCCR hiệu quả.
Ông Trịnh Văn Tiến, Phó phòng Lâm sinh, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn cho biết: Để giữ rừng, chúng tôi còn có “tai mắt” là các hộ dân sống gần rừng. Hằng năm, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn ký hợp đồng với 52 hộ dân bảo vệ toàn bộ diện tích rừng. Hằng ngày, các hộ này theo dõi diễn biến của rừng, ngăn cản các hành vi xâm hại rừng và kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi rừng bị cháy hoặc xâm hại.
Ngoài ra, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn còn tổ chức cho các hộ dân sống ven rừng, làm nghề rừng và các thôn ký cam kết bảo vệ và PCCCR. Kết quả, 329/329 hộ dân và 23/23 trưởng các thôn có người dân sinh sống giáp ranh đã ký cam kết bảo vệ rừng. Hằng năm, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn nâng cao ý thức bảo vệ và PCCCR cho cán bộ xã, thôn, xóm thuộc các xã có rừng, lực lượng bảo vệ rừng và các hộ dân làm nghề rừng. Các lớp tập huấn đã góp phần truyền đạt những văn bản pháp quy của Nhà nước về công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Các học viên cũng được thảo luận sôi nổi và được cán bộ, giảng viên giải thích cặn kẽ những vấn đề liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng theo luật định.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng, hằng năm Ban Chỉ đạo bảo vệ và PCCCR của huyện Mỹ Đức đều ban hành kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. UBND huyện phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức triển khai diễn tập nghiệp vụ chữa cháy rừng của địa phương, đặc biệt là các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng cơ sở. Đồng thời, rà soát các trang thiết bị, dụng cụ PCCCR, chủ động huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy khi có tình huống xấu xảy ra.
Ban Chỉ đạo huyện cũng đã đề nghị các cơ quan liên quan, chủ tịch UBND các xã có rừng tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ và PCCCR… Nhờ đó, nhận thức của nhân dân và du khách về bảo vệ sự đa dạng của rừng đặc dụng Hương Sơn ngày càng được nâng cao, góp phần phát triển du lịch cho huyện Mỹ Đức nói riêng và Hà Nội nói chung.