Công tác cải cách tư pháp đạt kết quả toàn diện
Chính trị - Ngày đăng : 20:24, 30/11/2016
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt |
Năm 2016, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp quận, huyện, thị ủy và các đơn vị trong thành phố có nhiều đổi mới, sâu sát, kịp thời, thường xuyên, phát huy hiệu quả thiết thực. Kết quả nổi bật là các cơ quan tư pháp đã chủ động, tham gia tích cực phục vụ công tác bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp bảo đảm đúng luật, an toàn, tiết kiệm. Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ có nhiều đổi mới, chất lượng các mặt công tác có những chuyển biến tích cực như: Chất lượng công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên rõ rệt.
Các tin báo, tố giác tội phạm được Công an thành phố tiếp nhận, xác minh nhanh chóng, kịp thời. Năm 2016, tổng giải quyết 11.723 tin. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp được thực hiện chặt chẽ. Đặc biệt, việc phối hợp tốt trong chỉ đạo giải quyết các vụ án hình sự trọng điểm, tội phạm tham nhũng, tội phạm về ma túy, tệ nạn xã hội, giải quyết các vụ việc, tụ điểm về an ninh trật tự. Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án nhân dân xác định 1.152 vụ án hình sự trọng điểm, áp dụng thủ tục rút gọn 46 vụ, phối hợp với Tòa án tổ chức 1.349 phiên tòa xét xử lưu động tại các xã, phường, thị trấn và các trường đại học.
Công tác chuẩn bị triển khai thực hiện các bộ luật, luật về tư pháp có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 được thực hiện tốt, đúng yêu cầu, tiến độ đề ra. Việc hỗ trợ các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp tiếp tục được quan tâm thực hiện. Nhìn chung, công tác cải cách tư pháp năm 2016 đã góp phần tích cực trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, công tác cải cách tư pháp còn một số hạn chế, khuyết điểm cần được quan tâm giải quyết.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, làm rõ về các kết quả đạt được cũng như đi sâu phân tích những hạn chế, nguyên nhân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, năm qua công tác cải cách tư pháp đã đạt kết quả toàn diện, góp phần tích cực trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Trưởng Ban Chỉ đạo nêu kết quả nổi bật là số lượng các vụ việc từ điều tra đến xét xử của Hà Nội gấp nhiều lần các tỉnh khác, trong khi đó số lượng cán bộ không cao nhưng trong năm 2016 không có vụ nào oan sai. Tuy nhiên, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, điển hình là án bị đình chỉ tăng so với năm 2015, và vẫn còn một số vụ án bị hủy, cải sửa, để quá thời hạn xét xử. Đáng chú ý, kết quả thi hành án dân sự của các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn TP Hà Nội 10 tháng đầu năm 2016 mới đạt 62% về việc, 17% về tiền, chưa hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2016. Đồng chí yêu cầu từ nay đến cuối năm, cơ quan thi hành án cần tăng tốc để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu và tiến độ.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu: Các cơ quan tư pháp phải xác định kiên trì, kiên quyết và tập trung để triển khai thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết 49 của Bộ chính trị đề ra, đề án 06 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp của thành phố và 8 nhiệm vụ trong dự thảo báo cáo tổng kết năm 2016 đã nêu. Theo đó, các cơ quan cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các luật về tư pháp có hiệu lực nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân về chấp hành pháp luật. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần được thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm kế hoạch công tác.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu Tòa án quan tâm chỉ đạo các vụ án tham nhũng, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vụ án được dư luận xã hội quan tâm để hạn chế án tồn, án quá hạn, duy trì, phát huy kết quả không có án oan sai. Đối với cơ quan thi hành án dân sự cần tập trung đạt và vượt chỉ tiêu ngay từ những ngày đầu năm 2017, đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan, tập trung giải quyết án ở những địa bàn có án tồn, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản. Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy nhấn mạnh, các cơ quan tư pháp cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành tư pháp gắn với việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 18 của Ban Thường vụ Thành ủy về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng đó, các cơ quan phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhiệm vụ chuyên sâu, lý luận chính trị, trình độ tin học, ngoại ngữ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đáp ứng yêu cầu công tác trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, UBND thành phố và các sở, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ và triển khai có hiệu quả Đồ án "Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050".