Tính kế dài lâu

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 01/12/2016

(HNM) - Ùn tắc và tai nạn giao thông lâu nay đã trở thành câu chuyện “nóng” trong thực tế đời sống và trên cả bàn nghị sự. Đây không chỉ là thách thức đối với một đô thị hơn 7,5 triệu dân như Hà Nội mà còn là bài toán nan giải đối với nhiều thành phố, quốc gia trên thế giới.


Với tốc độ phát triển phương tiện giao thông không ngừng tăng, dự báo đến năm 2020 diện tích chiếm dụng của phương tiện giao thông sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay và tình trạng ùn tắc sẽ xảy ra trên toàn thành phố ở mức độ nghiêm trọng; đến năm 2025 và 2030, diện tích này sẽ vượt từ 7,58 đến 10,56 lần so với khả năng đáp ứng của hệ thống đường đô thị, kịch bản xấu nhất là các phương tiện không thể di chuyển có thể xảy ra.

Như vậy, sống chung và giải quyết ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trước thực trạng hiện nay cũng như những dự báo trên cần được xem như một nỗ lực bền bỉ với tầm nhìn xa và đặc biệt với hệ thống giải pháp vừa có tính đột phá, vừa đảm bảo kế dài lâu.

Thực tế, TP Hà Nội đã quyết liệt hành động để khắc phục tình trạng ùn tắc, kéo giảm tai nạn giao thông. Một số kết quả đạt được như giảm đáng kể số điểm ùn tắc…, cũng là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của toàn bộ hệ thống giải pháp như xây dựng hạ tầng, sắp xếp, điều hành hợp lý; xử lý mạnh vi phạm về TTATGT; nâng cao hiệu quả hoạt động mạng giao thông công cộng… Tuy nhiên, đây chưa phải là kết quả bền vững, nhất là trước những dự báo đáng lo ngại trên.

Do đó, bản tổng phổ giải pháp đòi hỏi phải có điểm nhấn, đặc biệt những kế sách dài lâu nhằm tạo ra những chuyển biến bền vững trong tương lai. Đó là tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành giao thông. Đây là những cơ sở rất quan trọng để tiến tới hạn chế dần phương tiện cá nhân, hướng người dân chuyển mạnh sang phương tiện giao thông công cộng, giảm ùn tắc, giảm tai nạn; đặc biệt là kiểm soát, xử lý tốt tình trạng phương tiện quá niên hạn, phương tiện vi phạm, xử lý các tình huống giao thông khẩn cấp...

Tinh thần giải pháp này thực tế đã được nêu trong Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26-5-2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô, đó là: “Đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình giao thông trọng điểm. Nghiên cứu tiếp tục xây dựng một số cầu vượt, nút giao thông thông minh tại các tuyến, khu vực trọng điểm… Tăng cường phương tiện giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân”.

Đặc biệt, kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cũng cần được xác định không phải là việc của một ngành mà của toàn xã hội, trong đó các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, môi trường giáo dục… của thành phố đều có trách nhiệm tham gia tuyên truyền văn hóa giao thông, gắn liền với đối tượng, đặc thù đơn vị, địa phương mình.

Trên cơ sở chuẩn bị tốt giải pháp có tính lâu dài, bền vững, phù hợp với xu thế quốc tế này, chúng ta mới có thể đưa vào thực hiện thành công những giải pháp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trước mắt như: Hạn chế hoạt động của ô tô, xe máy tại khu vực nội đô, hoặc những nơi đã phát triển vận tải hành khách công cộng; tăng lệ phí trước bạ, phí xe ô tô vào khu vực nội đô vào giờ cao điểm; hỗ trợ người dân trong thu hồi phương tiện xe máy không đảm bảo…

Hà An