Chuẩn bị cho thi THPT quốc gia: Nhà trường chủ động, học sinh bớt căng
Giáo dục - Ngày đăng : 06:36, 01/12/2016
Đợt kiểm tra học kỳ I tới đây, hầu hết các trường đều tổ chức “thi thử như thật”, nhằm giúp học sinh sẵn sàng bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh: Nhật Nam |
Thi thử như thật
Theo thông báo của Sở GD-ĐT Hà Nội cuối tháng 10 vừa qua, Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ I năm học 2016-2017 đối với học sinh lớp 12 trên toàn thành phố vào hai ngày 14 và 15-12 với 5 bài thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và tổ hợp khoa học tự nhiên, tổ hợp khoa học xã hội với quy trình như kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, quyết định này vừa được điều chỉnh, giao các trường chủ động tổ chức kỳ kiểm tra học kỳ I, nhằm tạo sự chủ động cho các trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục đồng thời tránh những áp lực, căng thẳng cho học sinh.
Theo ghi nhận, hầu hết các nhà trường đều đang hối hả cho công tác chuẩn bị tổ chức kiểm tra học kỳ I. Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên) cho biết, dự kiến giữa tháng 12-2016 sẽ tổ chức cho 310 học sinh lớp 12 kiểm tra học kỳ I với 5 bài thi như quy định của kỳ thi THPT quốc gia. Giáo viên các tổ bộ môn đang xây dựng đề kiểm tra theo các tiêu chí của Bộ GD-ĐT. Học sinh khối 12 không phân biệt là học sinh lớp nào được chia thành các phòng thi xếp theo vần A, B, C với số lượng 24 em/phòng, có đánh số báo danh, bài thi được rọc phách, chấm chéo...
Tinh thần được quán triệt tới thầy và trò toàn trường là tổ chức một kỳ kiểm tra như một kỳ thi thật, để mọi thành viên được tập dượt theo các quy trình của một kỳ thi chính thức. Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình), giáo viên các bộ môn có trong danh mục kỳ thi THPT quốc gia đang hối hả xây dựng ngân hàng đề thi để tổ chức cho học sinh làm quen. Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lịch kiểm tra học kỳ I với học sinh lớp 12 của trường dự kiến diễn ra từ khoảng ngày 10-12 với cách thức của kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả đánh giá sẽ được công bố sớm để học sinh có quyết định lựa chọn tổ hợp môn thi phù hợp.
Đối với học sinh lớp 10 và 11, nhiều trường đã chủ động điều chỉnh phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá theo định hướng đổi mới của Bộ GD-ĐT, trong đó tập trung vào việc tập dượt cho học sinh làm quen với hình thức thi TNKQ, hướng dẫn học sinh lựa chọn tổ hợp thi phù hợp với năng lực và nguyện vọng nghề nghiệp. Học sinh, phụ huynh học sinh lớp 10, 11 cũng được cập nhật yêu cầu tăng khối lượng kiến thức của kỳ thi THPT quốc gia những năm tới. Theo đó, năm 2018 nội dung thi THPT quốc gia sẽ nằm trong chương trình lớp 11, 12 (chứ không chỉ là ở lớp 12 như năm 2017), từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình THPT.
Sẽ bổ sung ngân hàng đề thi
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, Hà Nội có 238 đơn vị có học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, với hơn 70 nghìn em. Mối lo lắng nhất của các trường trong khâu tổ chức kiểm tra học kỳ I với tinh thần “thử như thật” là việc xây dựng ngân hàng đề đủ về số lượng và phải bảo đảm các yêu cầu của kỳ thi THPT. Hầu hết các giáo viên khi được hỏi đều bày tỏ mong muốn được bổ sung câu hỏi theo cấu trúc đề thi mẫu của Bộ GD-ĐT nhằm giúp học sinh có nhiều cơ hội được tập dượt.
Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm cho biết, mặc dù đã được tập huấn xây dựng đề thi nhưng thời điểm này, chưa phải giáo viên nào cũng có thể làm tốt theo đúng yêu cầu, hơn nữa, đây lại là phần việc mới và khó, nên để hiện thực hóa những điều đã được nghe phổ biến là cả một thách thức không nhỏ. Liên quan đến vấn đề xây dựng ngân hàng đề, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi Nguyễn Quý Xuân cho biết, đã được phổ biến đến các tổ chuyên môn từ đầu năm học, song thực tế cho thấy để xây dựng được một đề thi bảo đảm theo các yêu cầu quy định thực sự không đơn giản. Để mỗi học sinh trong một phòng thi có một mã đề (mỗi đề 40 câu), giáo viên phải xây dựng, sử dụng tối thiểu 160 câu để đảo, trộn, sao cho tỷ lệ câu trùng nhau ở mỗi đề là ít nhất.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Hà Nội là đơn vị đi đầu trong việc tổ chức tập huấn xây dựng ngân hàng đề thi cho giáo viên cốt cán các trường THPT. Đây là việc trước đây các giáo viên đều đã từng làm, song lần này, đội ngũ giáo viên được tập huấn kỹ về cách thức xây dựng ma trận đề với đủ 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Các thầy cô giáo đã ý thức đầy đủ hơn và có kỹ năng để xây dựng một đề kiểm tra theo định hướng đổi mới thi của Bộ GD-ĐT. Sau khóa tập huấn, giáo viên cốt cán có nhiệm vụ phổ biến cho các thành viên của đơn vị mình. Việc yêu cầu giáo viên các trường phải tự xây dựng ngân hàng đề và gửi lại Sở GD-ĐT là “bài tập về nhà” của khóa tập huấn. Những “bài tập về nhà” này là căn cứ để Sở nhận biết mức độ nhuần nhuyễn của đội ngũ giáo viên trong việc xây dựng đề đến đâu để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp, đồng thời bổ sung, hoàn thiện ngân hàng đề của Sở. Kho dữ liệu dùng chung này sẽ được dùng để hỗ trợ các trường trong quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh.