Những “khoảng trống” tiềm ẩn vi phạm
Đời sống - Ngày đăng : 06:29, 01/12/2016
Song, như lời một trinh sát hình sự chia sẻ, chưa nói đến thất thu ngân sách trong thực thi nghĩa vụ thuế, những mảnh đất này rất dễ nảy sinh tranh chấp, dẫn đến nạn bảo kê và hoạt động của các băng nhóm manh nha tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen”.
Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, trên địa bàn thành phố có 221 bến bãi. Qua kiểm tra, nhiều bến bãi tập kết, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động tự phát. Trong thời gian qua, Công an Hà Nội đã xóa bỏ 11 bến bãi trái phép, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý 46 trường hợp, xử phạt gần 96 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất, không có kế hoạch bảo đảm vệ sinh, môi trường hoặc thực hiện không đúng các nội dung trong giấy phép…
Một loại đất trống nữa cũng có thể là “đất vàng” đang bị buông lỏng đó là các đoạn đường, vỉa hè, đường dân sinh trong các khu đô thị… có thể tận dụng làm nơi trông giữ phương tiện cơ giới. Những tháng đầu năm 2016, Ban Chỉ đạo 197 thành phố cho biết, các cơ quan chức năng đã kiểm tra hơn 100 lượt đối với 89 điểm trông giữ phương tiện, lập biên bản vi phạm hành chính 83 trường hợp với số tiền gần 276 triệu đồng, giải tỏa dứt điểm 5 trường hợp trông giữ xe tự phát, trái phép. Dù lực lượng chức năng đã nỗ lực xử lý, nhưng những mảnh đất như thế vẫn còn và vẫn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm, tội phạm như vụ việc xảy ra tại Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, ngày 21-11 vừa qua. Từ đoạn đường trong khu đô thị trên, Nguyễn Văn Minh (SN 1980, trú ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) tự mở bãi trông xe thông qua một “thỏa thuận miệng” với đơn vị quản lý tòa nhà. Khi người dân để xe ở khu vực có phản ứng vì bị thu tiền, Minh dùng dao tấn công, uy hiếp… Công an đã bắt giữ Minh về hành vi “cướp tài sản”…
Những vi phạm khác về trật tự đô thị còn diễn ra ở các chợ cóc, những hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hiện trên địa bàn thành phố còn hàng chục điểm chợ cóc. Nhiều tuyến phố vẫn còn hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán. Tại nhiều hè phố, trước cửa bến xe, cơ quan, đơn vị…, những hàng ăn, quán nước luôn có xu hướng “phình” rộng. Không chỉ gây ảnh hưởng đến trật tự giao thông, những vỉa hè nhỏ cũng có thể dẫn đến mâu thuẫn khi tranh giành buôn bán và từ mâu thuẫn đó đến các hành vi vi phạm pháp luật không xa. Thực tế, không ít vụ cố ý gây thương tích nghiêm trọng đã xảy ra chỉ từ việc tranh chấp chỗ bán hàng, vốn không hợp pháp… Để xảy ra các hiện tượng, vụ việc như trên rõ ràng là do công tác quản lý của các cơ quan chức năng và của chính quyền cơ sở ở những địa bàn này không chặt chẽ, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm.
Thời gian cuối năm, các hoạt động kinh doanh, lễ hội rất sôi động, lượng người tham gia giao thông cũng tăng cao, dẫn đến những hoạt động lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, các khoảng đất lưu không sẽ gia tăng. Thực trạng đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Trước mắt, nếu buông lỏng quản lý thì trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị dịp cuối năm sẽ không bảo đảm, tiềm ẩn xảy ra các vụ việc đe dọa trật tự an toàn xã hội. Về lâu dài, nếu không sớm xử lý và xử lý kiên quyết, những mảnh đất trống tiếp tục bị chiếm dụng, dẫn đến nảy sinh các tệ nạn, tội phạm nguy hiểm và sẽ khó khăn trong giải quyết.