Diễn đàn vun đắp niềm tin
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:28, 01/12/2016
Với người dân, các buổi đối thoại giúp phát huy tốt hơn quyền làm chủ; với cán bộ thì hiểu rõ hơn các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống để có sự điều chỉnh chính sách và phương pháp xử lý phù hợp. Vì thế, các diễn đàn đối thoại không chỉ làm giảm bức xúc mà còn vun đắp thêm niềm tin của người dân với Đảng, chính quyền.
Người dân tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên), tại buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo huyện. Ảnh: Anh Tuấn |
Diễn đàn dân chủ
Theo Quyết định 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị, cấp ủy, tổ chức Đảng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy ở địa phương với nhân dân. Quyết định số 6525-QĐ/TU ngày 25-9-2015 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn Hà Nội.
Việc người dân có thắc mắc, phản ánh, kiến nghị các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội là hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu không được giải quyết kịp thời, thấu đáo có thể dẫn tới những bức xúc, khiếu nại, tố cáo. Do vậy, việc chủ động tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời các vấn đề, không để phức tạp hóa, trở thành "điểm nóng" rất có ý nghĩa. Từ nhận thức như vậy, tháng 9-2014, Huyện ủy Phúc Thọ là cấp ủy cấp huyện đầu tiên TP Hà Nội tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy địa phương với nhân dân. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ khi đó là đồng chí Ngọ Duy Hiểu (hiện là Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đã đối thoại với hơn 200 người dân, đại diện cho nhân dân 11 xã trên địa bàn để nghe người dân đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ngoài bí thư, chủ tịch UBND huyện, trưởng các ngành, đoàn thể cùng tham dự buổi đối thoại để trao đổi, làm rõ, trả lời các nội dung liên quan. Cho đến nay, hoạt động ý nghĩa này được huyện Phúc Thọ duy trì định kỳ hằng năm, không chỉ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện và cả các xã, thị trấn đều tổ chức đối thoại với dân.
Tại quận Bắc Từ Liêm, cuộc đối thoại đầu tiên giữa Bí thư Quận ủy Lê Văn Thư với khoảng 300 người dân đại diện cho 13 phường diễn ra cuối năm 2014. Tại đây, gần 100 ý kiến được tổng hợp từ cơ sở, 13 ý kiến phát biểu trực tiếp liên quan đến các vấn đề nóng như đất đai, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, công tác cán bộ đã được nêu ra. Nhiều vấn đề đã được lãnh đạo UBND quận, các đơn vị chức năng và Bí thư Quận ủy Lê Văn Thư đã trực tiếp trả lời, giải quyết. Ngày 19-10-2016, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lê Văn Thư tiếp tục đối thoại trực tiếp với người dân trên địa bàn.
Còn tại huyện Thạch Thất, cuộc đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện với gần 300 người dân 11 xã, thị trấn diễn ra ngày 22-11-2016 để lại dư âm tốt. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Doãn Hoàn khẳng định, đối thoại với nhân dân là việc làm rất cần thiết trong quá trình lãnh đạo, quản lý, giúp đánh giá chính xác các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống thế nào. Trong suốt cuộc đối thoại, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất luôn động viên nhân dân nói thẳng, nói thật những suy nghĩ của mình. Trong không khí thẳng thắn, cởi mở, đại diện nhân dân 11 xã, thị trấn phản ánh nhiều bất cập liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, nước sạch nông thôn, ô nhiễm môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang… và lần lượt được Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện trả lời một cách thấu đáo.
Ngoài mục đích nắm bắt, giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài, các cấp ủy còn tổ chức các đối thoại nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cuộc đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên với nhân dân tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên liên quan đến việc triển khai dự án trạm biến áp 110kV ngày 27-11-2016 là ví dụ. Các cuộc đối thoại diễn ra khá thành công, không khí dân chủ, cởi mở, được dư luận đánh giá cao.
Hiệu ứng tích cực
Theo dõi trực tiếp diễn biến phiên đối thoại, dư luận, nhân dân hưởng ứng, nêu nhiều câu hỏi phong phú. Có thể nói đây là dịp tổng hợp ý kiến đầy đủ, toàn diện và thẳng thắn nhất tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, không khí tại các cuộc đối thoại rất cởi mở nhân dân đã thẳng thắn trao đổi. Hầu hết các cuộc đối thoại đều diễn ra từ 8h sáng và tổ chức đến xuyên trưa, ghi nhận hàng chục ý kiến người dân thẳng thắn góp ý, kiến nghị, đề xuất các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội, từ việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, xây dựng nếp sống văn minh, chủ trương mua máy cày, cứng hóa kênh mương đến đền bù giải phóng mặt bằng, trật tự đô thị, y tế. Điều đó cho thấy, nhân dân rất mong chờ những cuộc đối thoại với người lãnh đạo đứng đầu các cấp. Ông Đặng Văn Tĩnh (80 tuổi, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ) cho biết: "Từ khi tôi về sinh hoạt ở xã gần 40 năm, lần đầu tiên tôi được chứng kiến Bí thư Huyện ủy đối thoại với dân. Những cuộc đối thoại như thế này rất bổ ích, nên tổ chức thường xuyên và không chỉ với Bí thư Huyện ủy".
Lắng nghe ý kiến trả lời của Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn về công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, việc giải quyết đất xen kẹt, ông Hoàng Trung Kinh, xã Yên Bình khá hài lòng. Ông mong muốn, việc đối thoại trực tiếp với nhân dân được các cấp lãnh đạo duy trì thường xuyên. Từ đó xây dựng tác phong “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, xóa bỏ nhận thức cho rằng, việc đối thoại chỉ mang tính hình thức.
Ở góc độ quản lý, có thể nói, từ những cuộc đối thoại với nhân dân, các quận, huyện đã từng bước tạo chuyển biến về tác phong làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp. Bởi nếu trong quản lý, điều hành, cán bộ địa phương xử lý không khách quan, nhất là những việc liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, buổi đối thoại trở thành dịp để dân phản ánh trực tiếp tới người lãnh đạo cao nhất ở địa phương. Từ đây, người đứng đầu huyện có cơ sở xem xét, đánh giá về năng lực cán bộ, có phương pháp nâng cao ý thức, thái độ phục vụ nhân dân. Cũng nhờ đó, những quận, huyện đã tổ chức đối thoại đều có điều kiện nhận diện tình hình từng địa bàn mình phụ trách tốt hơn, nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy cơ sở trực thuộc, phát huy vai trò, sự đóng góp nhân dân đối với công tác lãnh đạo điều hành, từng bước khắc phục những điểm yếu cố hữu. Thông qua đối thoại, cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền gần gũi với dân hơn, hiểu biết sâu sắc hơn về đời sống dân cư, thấy được việc gì cần tập trung giải quyết cho dân... Đối thoại còn là dịp bí thư cấp ủy thấy được trách nhiệm, bản lĩnh của mình, thấy mình có xứng đáng với vị trí công tác của mình hay không.
(Còn nữa)