Tháo gỡ điểm nghẽn trong thi hành án
Pháp luật - Ngày đăng : 06:32, 02/12/2016
Án lớn, nhưng thu được ít
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi, nhìn tổng thể, năm 2016, số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm ngoái, song các cơ quan THADS đã giải quyết xong số việc, tiền nhiều hơn về giá trị tuyệt đối cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể là tăng hơn 30 nghìn việc và hơn 7.800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu được giao cả về việc và về tiền.
Tuy nhiên, số việc, tiền có điều kiện thi hành phải chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về tiền với hơn 57 nghìn tỷ đồng. Một số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu THA xong về việc (Tây Ninh, Sóc Trăng), về tiền (Hải Phòng, Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh…). Đáng chú ý, 3 địa phương có kết quả THA xong về tiền đạt dưới 16% (Bắc Giang: 15,4%, Hà Tĩnh: 11,86%, Thái Bình: 8,54%).
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhiều vụ án lớn, án liên quan đến tham nhũng phải thu hồi tài sản với giá trị rất lớn, trong khi kết quả thu được còn rất khiêm tốn. Tài sản nhà cửa, đất đai bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ. Điển hình, vụ Vinalines mới thi hành được hơn 38 tỷ đồng, trên tổng số 358 tỷ đồng. THA tín dụng, ngân hàng thu được trên 19 nghìn tỷ đồng trong tổng số 78 nghìn tỷ đồng phải thu. Một số vụ việc trọng điểm, phức tạp đã kéo dài nhiều năm trong khi điều kiện kinh tế - xã hội và các quy định của pháp luật liên quan có nhiều thay đổi so với thời điểm giải quyết vụ việc, cần có sự phối hợp, chỉ đạo thống nhất của nhiều cấp, ngành, nhưng có đơn vị vào cuộc không đồng bộ…
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, việc khó THA, THA chậm còn có phần ở chất lượng cán bộ. Trên thực tế, số việc THA sai phạm phát sinh trách nhiệm bồi thường với số tiền lớn đang có xu hướng gia tăng. Năm 2016, toàn ngành THA đã kỷ luật 96 cán bộ (tăng 14 trường hợp so với năm 2015) và 14 trường hợp khác vi phạm nghiêm trọng đang bị xem xét trách nhiệm hình sự. Thậm chí, một số địa phương có biểu hiện buông lỏng quản lý, đề nghị bổ nhiệm đối với công chức vừa hết thời gian thi hành kỷ luật như ở tỉnh Vĩnh Long, Cà Mau hoặc đề nghị bổ nhiệm lại đối với công chức đang thi hành kỷ luật, xảy ra ở tỉnh Quảng Ngãi, Hưng Yên.
Tại hội nghị triển khai công tác THADS năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chỉ rõ, vấn đề nghiệp vụ, kỷ cương, kỷ luật hành chính tại các Cục THA, Chi cục THADS cần phải nâng cao hơn nữa. “Có cán bộ ấu trĩ về chuyên môn, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Nếu như ngành THADS không khắc phục được sẽ ảnh hưởng lớn tới việc hoàn thành nhiệm vụ đặt ra” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.
Nhìn ở góc độ cải cách hành chính, việc dựng lên hàng rào điều kiện và áp dụng chế độ kiểm tra THADS là cần thiết, nhưng cũng đang gây không ít khó khăn cho cá nhân, tổ chức phải THA. Vì vậy, để khắc phục những bất cập, trước hết cần mở rộng số cán bộ phải kê khai tài sản, nghiên cứu quy định về hạn chế dùng tiền mặt trong các giao dịch dân sự - kinh tế nhằm kiểm soát tốt hơn, hiệu quả hơn đối với tài sản, thu nhập của cá nhân, dễ áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành THA nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính gây phiền hà cũng cần coi là giải pháp trọng tâm trong năm 2017 của ngành THA. Theo đó, thay vì yêu cầu người dân đi lại nhiều lần, nên áp dụng hình thức nộp đơn qua mạng tương tự thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp Ngành Tư pháp đang thực hiện. Ngành THA cũng cần khẩn trương hoàn thiện phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức THADS, báo cáo thống kê THADS. Làm được hai việc này, không chỉ thuận lợi cho người dân mà còn tiết kiệm thời gian, nguồn lực, nhân lực quản lý; minh bạch trong công tác THA.
Một việc cần quan tâm giải quyết nữa chính là vấn đề thiếu nguồn lực. Cùng với đó, công tác xã hội hóa công tác THA theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhất là thực hiện thí điểm thừa phát lại - tổ chức tư nhân thực hiện THA năm 2016 đang có dấu hiệu chững lại. Vì vậy, các địa phương kiến nghị cần có cơ chế khuyến khích, bước đi phù hợp để tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn phương thức thi hành án thích hợp và hiệu quả nhất, góp phần giảm tải công tác THA.