Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 02/12/2016

(HNM) - Gần đây, các thuê bao di động thường nhận được tin nhắn hay cuộc gọi mời dự sự kiện quảng bá sản phẩm, giới thiệu dịch vụ… của công ty bảo hiểm, cho vay tài chính, bất động sản.

Có lẽ, không nhiều người biết thông tin cá nhân của mình đã được mua bán công khai trên mạng. Chỉ cần vào Google, gõ từ khóa “mua bán dữ liệu khách hàng”, sau vài giây sẽ có ngay hàng triệu kết quả. Và theo lời mời chào từ các trang này, chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng là có ngay danh sách khách hàng, với đầy đủ tên, số điện thoại di động…

Hậu quả của việc lộ thông tin cá nhân rất khó lường. Đơn giản là chủ thuê bao bị nhắn tin, gọi điện thoại mời chào, giới thiệu dịch vụ, quảng cáo sản phẩm thường xuyên. Nghiêm trọng hơn là sự xuất hiện của những tin nhắn lừa đảo, đánh cắp tiền trong tài khoản; mạo danh cơ quan chức năng dọa nạt, sau đó đòi chuyển tiền vào tài khoản; hay gần đây là tình trạng hàng loạt thuê bao bị các số điện thoại lạ từ nước ngoài nháy máy, khi gọi lại thì tài khoản bị trừ tiền… Tương tự, khi địa chỉ email bị lộ, khách hàng thường xuyên nhận được thư “rác”, giả mạo trang web hoặc gửi kết nối phát tán mã độc. Nhiều người vô tình mở email khiến máy tính nhiễm vi rút…

Pháp luật đã có quy định về bảo vệ thông tin cá nhân. Thư tín, điện thoại, các hình thức thông tin điện tử của cá nhân đều được bảo đảm an toàn và bí mật. Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải hủy bỏ thông tin cá nhân được lưu trữ khi đã hoàn thành mục đích sử dụng hoặc hết thời hạn lưu trữ… Như vậy, từ góc độ pháp lý, việc phát tán thông tin cá nhân bất hợp pháp sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.

Tình trạng này đã kéo dài, rất mong cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm việc mua bán thông tin cá nhân, góp phần giải quyết dứt điểm nạn tin nhắn, cuộc gọi “rác”, gây bức xúc dư luận.

Kính Lúp