Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối: Vẫn ngổn ngang khó khăn

Xã hội - Ngày đăng : 07:22, 03/12/2016

(HNM) - Do nhiều nguyên nhân, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn.

Lộn xộn, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Tại chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), trung bình mỗi ngày có 750 hộ kinh doanh, trong đó có 580 hộ ký hợp đồng thuê mặt bằng với Ban Quản lý chợ, còn lại là hộ kinh doanh vãng lai. Chợ Minh Khai được quy hoạch khá bài bản, phân lô, phân rõ từng khu, dãy bán rau, quả, sản phẩm động vật, thủy sản. Tuy nhiên, việc sử dụng mặt bằng chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng quầy bán thịt gia súc, gia cầm, hải sản chưa có mái che, thực phẩm tươi sống bày bán lẫn với thực phẩm đã qua chế biến...


Khu bày bán nông sản tại chợ đầu mối Minh Khai chưa bảo đảm vệ sinh.


Phó phòng Thanh tra pháp chế (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội) Lê Trung Kiên cho biết, ngoài hộ kinh doanh cố định, trong chợ còn nhiều tiểu thương vãng lai, lấy hàng hóa từ nhiều nguồn khác nhau, khi kiểm tra đều không xuất trình được giấy tờ liên quan, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Mỗi ngày tại chợ đầu mối Minh Khai tiêu thụ hàng trăm tấn rau, củ, quả; từ 10 đến 20 tấn gia súc, gia cầm. Lượng hàng hóa buôn bán, kinh doanh khá lớn nhưng điều kiện vệ sinh ở chợ không bảo đảm.

Trên các trục giao thông xung quanh chợ, rau, củ, quả bày bán tràn lan, thiếu sự quản lý của các ngành chức năng. Bà Nguyễn Thị Gái, xã Đại Mạch (Đông Anh) cho biết, mỗi ngày bán lẻ từ 100 đến 200 mớ rau muống, nhưng do tiền thuê cửa hàng trong chợ cao, nên đã chuyển ra bán ở vỉa hè để giảm chi phí...

Chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ) quận Hoàng Mai cũng trong cảnh ngộ tương tự, chỉ có 400/700 hộ kinh doanh cố định, còn lại là vãng lai. Trung bình mỗi ngày chợ tiêu thụ từ 400 đến 500 tấn hoa quả, 120 đến 150 tấn rau, củ các loại và 250 tấn thịt gia súc, gia cầm, thủy sản. Tuy nhiên, điều kiện vệ sinh tại chợ không bảo đảm, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Cần siết chặt quản lý

Để quản lý chất lượng sản phẩm và điều kiện vệ sinh ATTP tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, đòi hỏi các ngành chức năng, Ban Quản lý chợ phải tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền để nâng cao ý thức người kinh doanh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện đúng quy định trong Thông tư số 24/2014/TT-BNNPTNT ngày 19-8-2014 của Bộ NN&PTNT về điều kiện bảo đảm ATTP đối với chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản; phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp quản lý các hộ kinh doanh vãng lai ở các trục đường xung quanh khu vực chợ. Ban Quản lý chợ tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách cụ thể các hộ kinh doanh thường xuyên tại chợ; phân khu riêng biệt cho từng nhóm ngành hàng để bảo đảm ATTP; yêu cầu các hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản bày bán trên bàn inox, thùng bảo quản sản phẩm…

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, Ban Quản lý chợ cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tăng cường kiểm tra sản phẩm của các hộ kinh doanh; trang bị bổ sung các kệ hàng, thùng thu gom rác thải trong chợ; xây dựng biểu mẫu sổ sách nguồn gốc hàng hóa và kiểm tra việc ghi chép của các hộ kinh doanh trong chợ; yêu cầu 100% hộ kinh doanh ký cam kết bán hàng rõ nguồn gốc xuất xứ. Về lâu dài, cần xây dựng quy hoạch hướng phát triển chợ đầu mối đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa, bảo đảm ATTP; phê duyệt chương trình kiểm tra nhanh chất lượng, ATTP tại chợ đầu mối, để từng bước đưa các hộ kinh doanh đi vào nền nếp, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Ngọc Quỳnh