Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích

Đời sống - Ngày đăng : 07:29, 03/12/2016

(HNM) - Tai nạn thương tích (TNTT) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật cho nhiều người ở độ tuổi lao động (từ 15 đến 44 tuổi).

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ngành Y tế, trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 900 nghìn trường hợp bị TNTT, với trên 34 nghìn người tử vong, trong đó tử vong do tai nạn giao thông chiếm hơn 40%, đứng thứ hai là tử vong do đuối nước với khoảng 6.000 người/năm. Để đạt mục tiêu giảm TNTT, việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có nhận thức, chủ động phòng chống tai nạn thương tích là rất cần thiết.

Trong giai đoạn 2011-2015, Ban Chỉ đạo phòng, chống (PC) TNTT thành phố, do Sở Y tế Hà Nội là cơ quan thường trực, đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai đồng bộ nhiều hoạt động PCTNTT; xây dựng và nhân rộng mô hình “Cộng đồng an toàn” và PCTNTT trẻ em. Ngay từ đầu năm 2011, Ban Chỉ đạo PCTNTT các cấp, các ngành từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã được kiện toàn. Từ đó, hoạt động PCTNTT đã được cấp ủy đảng, chính quyền, người dân biết đến và hưởng ứng. Hằng năm, Ban Chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch dài hạn và bố trí ngân sách cho tổ chức các hoạt động PCTNTT tại cộng đồng, ưu tiên các loại hình có nguy cơ tử vong cao như tai nạn giao thông, đuối nước, tai nạn lao động và các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già.

Trong cả giai đoạn, thành phố đã ban hành 9 văn bản chỉ đạo hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực hành động, từng bước hạn chế tai nạn thương tích trong tham gia giao thông, lao động sản xuất, sinh hoạt tại gia đình, nhà trường, giảm tỷ lệ TNTT trong cộng đồng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân cũng như của Nhà nước, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra, nhiều giải pháp đồng bộ đã được TP Hà Nội triển khai. Trong đó, công tác truyền thông được đặc biệt quan tâm với các mục tiêu rõ ràng, cụ thể nhằm nhanh chóng thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng trong PCTNTT. Các sở, ngành căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được phân công, tổ chức tuyên truyền tới đội ngũ cán bộ công nhân viên của ngành về các biện pháp PCTNTT. 100% các quận, huyện, thị xã triển khai tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân qua hệ thống đài truyền thanh, áp phích, tờ rơi; phổ biến, quán triệt qua các cuộc họp của ngành, đoàn thể, tổ dân phố, khu dân cư. Ban Chỉ đạo thành phố cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cho Ban Chỉ đạo các cấp; Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách của các sở, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã… với hơn 8 nghìn lớp, thu hút 335.625 lượt người tham dự. Ngành Y tế còn phối hợp với Ngành LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động thành phố hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp có yếu tố độc hại trên địa bàn trong việc thực hiện vệ sinh an toàn lao động, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên, tổ chức sơ cấp cứu tai nạn lao động tại 100% các doanh nghiệp…

Ngoài ra, các sở, ngành còn triển khai kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị trực thuộc và kiểm tra theo các chuyên đề: Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Y tế và Sở Công Thương, Công an thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại 613 doanh nghiệp, xử phạt 161 đơn vị vi phạm, nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng...

Cùng với những giải pháp nêu trên, Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành còn triển khai tập huấn kỹ thuật cho mạng lưới tình nguyện viên các xã, phường, thị trấn tham gia sơ, cấp cứu người bị TNTT tại cộng đồng. Mô hình “Ngôi nhà an toàn” tiếp tục được xây dựng, nhân rộng với hơn 25 mô hình đã hoàn thiện và 900.000 ngôi nhà an toàn PCTNTT trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều hạn chế tồn tại như: Các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát TNTT chưa đồng nhất; số liệu TNTT tổng hợp tại cộng đồng chưa thật đầy đủ và chuẩn xác; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố chưa nhiều; hệ thống giám sát TNTT còn chưa đồng bộ giữa các ban, ngành dẫn đến khó khăn trong công tác đánh giá tình hình TNTT...

Hy vọng trong thời gian tới với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự cố gắng của Ngành Y tế, công tác PCTNTT của TP Hà Nội sẽ thu được nhiều kết quả hơn.

Sa Chi