Bài đầu: Thật giả lẫn lộn, làm khó người tiêu dùng

Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 04/12/2016

(HNM) - LTS: Tết Nguyên đán đang đến gần, lưu lượng vận chuyển thịt gia súc, gia cầm từ các tỉnh về thành phố sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên với ý thức chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm túc của người dân, chính quyền các địa phương thiếu quyết liệt trong quản lý và xử lý vi phạm khiến việc kiểm soát chất lượng sản phẩm động vật trên thị trường nhiều gian nan, tạo mối lo thường trực về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Chăm sóc lợn tại HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam


Luật Thú y sửa đổi vừa bãi bỏ việc kiểm soát sản phẩm động vật nội tỉnh, khiến cho công tác kiểm soát của các ngành chức năng thêm khó. Trong khi đó, các trạm kiểm soát động vật đều thiếu trang thiết bị và nơi nhốt động vật gây ảnh hưởng nhiều cho công tác xử lý. Còn thương lái tại các chợ kinh doanh thực phẩm chạy theo lợi nhuận nên thật giả lẫn lộn, làm khó người tiêu dùng...

Khó kiểm soát nguồn sản phẩm

Theo quy định của Luật Thú y, đối với sản phẩm từ các tỉnh khác đưa về, cơ quan thú y sẽ kiểm tra nguồn gốc sản phẩm thông qua giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật từ nơi xuất phát, đồng thời kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ, tụ điểm buôn bán cũng như giám sát kiểm tra dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt, hóa đơn thu tiền. Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng việc kiểm soát các sản phẩm động vật từ các tỉnh vào Hà Nội gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), một số tỉnh chưa xây dựng được cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, cơ sở giết mổ đa phần nhỏ lẻ, trong khi tỷ lệ sản phẩm động vật có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển vào Hà Nội và ngược lại rất thấp. Một số chi cục thú y tỉnh, thành phố thực hiện kiểm dịch tại gốc chưa theo đúng quy trình, thủ tục, phần lớn dựa trên triệu chứng lâm sàng nên khó chính xác. Thiết bị phục vụ công tác kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối còn nghèo nàn, không có nơi nhốt theo dõi, kiểm tra động vật nên việc kiểm soát khó khăn.

Theo ông Trần Đức Trung - Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Ba La (Hà Đông), khó khăn lớn nhất của các chốt kiểm dịch khi bắt được gia cầm không rõ nguồn gốc là chủ xe chỉ vận chuyển thuê nên việc xử lý chưa triệt để. Trong trường hợp phải chờ xét nghiệm mất thời gian, các trạm không có nơi nhốt động vật cũng gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm.

Còn theo Phó Phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội Đỗ Phú Sơn, việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc hàng hóa cho chủ hàng ở một số tỉnh còn chưa đúng quy định, giấy kiểm dịch cho phép xuất bán một số lượng con trong ngày, nhưng thương lái xé lẻ thành nhiều ngày để trà trộn sản phẩm không rõ nguồn gốc và tẩy xóa ngày, giờ, gây khó khăn cho các đơn vị khi kiểm tra.

Việc kiểm soát sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố cũng gặp không ít trở ngại. Từ ngày 1-7-2016, Luật Thú y bãi bỏ công tác kiểm dịch nội tỉnh nên các sản phẩm động vật xuất phát từ Hà Nội chỉ kiểm tra hợp đồng cung cấp hàng hóa, dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt, hóa đơn kiểm soát giết mổ nơi xuất phát, mã số đánh dấu vệ sinh thú y đối với sản phẩm được bao gói kín nên công tác kiểm soát vệ sinh ATTP trên địa bàn đã khó lại càng thêm khó.

Theo Phó Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, do số lượng chợ đầu mối buôn bán sản phẩm gia súc gia cầm chưa đáp ứng nhu cầu, nên việc buôn bán, kinh doanh sản phẩm động vật tại chợ cóc, chợ tạm phục vụ đời sống dân sinh vẫn diễn ra thường xuyên. Hầu hết tiểu thương vận chuyển sản phẩm động vật bằng xe máy nên không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, ATTP trong khi các hộ giết mổ không thực hiện khai báo theo quy định và phương thức giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ tại nhà người chăn nuôi khiến việc kiểm soát ATTP vô cùng nan giải.

Chính quyền địa phương thiếu quyết liệt

Mua bán gia cầm tại chợ cóc Vĩnh Hồ (quận Đống Đa).Ảnh: Khánh Huy


Thực tế, đặc thù của hoạt động giết mổ là thực hiện vào đêm (từ 12h00 đêm hôm trước đến 6h00 sáng hôm sau) trong khi cán bộ thú y (thôn, bản) chỉ được hưởng chế độ phụ cấp (0,3 hệ số lương tối thiểu) nên chưa thực sự tận tâm với công việc, nhất là thực hiện nhiệm vụ vào ban đêm. Vì vậy, việc giết mổ nhỏ lẻ ở các địa phương đa phần bỏ ngỏ.

Ông Dương Xuân Tĩnh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thường Tín cho biết, do không đủ lực lượng cán bộ thú y, trong khi các điểm giết mổ thường diễn ra cùng thời điểm nên số cơ sở giết mổ được kiểm soát rất ít. Đối tượng tham gia giết mổ rất đa dạng, bao gồm: Chủ cơ sở, thợ mổ thuê và người mua hàng cũng tham gia giết mổ ngay tại gia đình người chăn nuôi nên việc kiểm soát càng khó khăn hơn. Vì vậy, tình trạng vi phạm diễn ra khá phức tạp. Trong năm 2016 các đơn vị của Chi cục Thú y phối hợp với các quận, huyện đã tiêu hủy 20 con lợn; 2,3 tấn gia cầm và 2.553 con gia cầm lông; 685kg thịt trâu bò; 2 tấn thịt lợn; 1,4 tấn thịt gia cầm và gần 2 tấn sản phẩm động vật khác không rõ nguồn gốc nhưng việc xử lý vi phạm vẫn như "muối bỏ bể".

Khó khăn kiểm soát ở các lò mổ là như vậy, với sản phẩm mang ra chợ tiêu thụ còn khó hơn nhiều. Theo bà Nguyễn Thị Như Mai - cán bộ thú y quận Nam Từ Liêm, trên địa bàn quận có chợ Phùng Khoang tiêu thụ số lượng lớn thịt gia súc gia cầm, nhưng chợ có 6 cửa mở thông suốt 24/24 giờ nên việc kiểm soát khó khăn. Thậm chí, khi lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát trong chợ, các tiểu thương bán thực phẩm không rõ nguồn gốc chạy vào các ngõ ngách, khu dân cư hoặc treo hàng vào xe máy của khách mua rồi giao dịch bằng điện thoại.

Hiện nay, thành phố đã phân cấp cho cơ sở trong quản lý ATTP, từ sản xuất tới tiêu thụ, nhưng thực tế, thời gian qua chính quyền các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt xử lý vi phạm đối với các hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản… Ông Cao Văn Tuyến, Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết, tình trạng “cấp trên chỉ đạo quyết liệt nhưng cấp dưới, đặc biệt là cấp xã triển khai chậm” khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do bộ máy cán bộ làm công tác bảo đảm ATTP ở cấp huyện, xã phần lớn là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Đặc biệt, các xã đều không có cán bộ chuyên môn, việc nắm bắt, cập nhật chính sách, pháp luật liên quan chưa kịp thời nên không tham mưu cho lãnh đạo xã trong chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát cũng như giải quyết sự cố liên quan đến ATTP...

(Còn nữa)

Ngọc Quỳnh