Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, phấn đấu tăng trưởng 8,5-9%

Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 06/12/2016

(HNM) - Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội ước đạt 8,03%, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng cao hơn năm trước và cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là điểm sáng của kinh tế Thủ đô năm 2016. Trong ảnh: Sản xuất hàng điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long - Hà Nội). Ảnh: Viết Thành


Thu hút vốn đầu tư xã hội cao

Nhìn lại năm 2016, UBND thành phố nhận định, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của DN và toàn thể nhân dân, KT-XH Thủ đô đã đạt được kết quả toàn diện. “Năm 2016 là năm có số lượng DN thành lập mới, thu hút vốn đầu tư xã hội cao nhất từ trước đến nay” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết. Kết quả là vốn đăng ký của các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đạt 423,8 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài là 2,8 tỷ USD (tăng 2,6 lần so với năm 2015). Tổng vốn đầu tư xã hội ước thực hiện đạt 277,95 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015.

Song song với phát triển kinh tế, thành phố cũng chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,7% (chuẩn đa chiều); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 80,1%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 56,93%... Cùng với đó, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế Thủ đô tiếp tục phát triển. Đặc biệt, kết quả thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" tiếp tục mang lại những chuyển biến tích cực. Hà Nội đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách.

Tuy nhiên, UBND thành phố cũng nhìn nhận, quá trình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: Sản xuất kinh doanh còn gặp không ít khó khăn; các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế dự báo không đạt kế hoạch, công nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng nhưng có xu hướng tăng chậm dần. Đặc biệt, tại một số địa bàn việc kiểm tra và xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn chậm; cháy, nổ, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp...

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Đó là đề xuất của nhiều đại biểu khi thảo luận về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2017. Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Hoàng Mai) nhận định, hiện nay các DN đã bước vào giai đoạn cần sự đột phá để phát triển. Vì vậy, thành phố cần đồng hành cùng các DN để tạo sự đột phá, các chính sách cần xây dựng trên cơ sở cho DN, vì DN.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Ngành Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ Nam Từ Liêm) đề xuất nghiên cứu nhiệm vụ riêng đối với lĩnh vực phát triển du lịch gồm: Chú trọng việc xây dựng các công viên, vườn hoa đẳng cấp quốc tế, phát triển các làng nghề truyền thống... Song song với đó, thành phố cần hoạch định sự phát triển của thị trường chứng khoán, nhà ở, xây dựng mục tiêu phát triển hằng năm, đánh giá rủi ro của phát triển thị trường bất động sản, đẩy nhanh tốc độ cải tạo chung cư cũ...

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ đã giải trình thêm một số nội dung. Cụ thể việc xuất khẩu không đạt kế hoạch là do xu hướng chung xuất khẩu của Việt Nam giảm; tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, trước hết là do về mặt kỹ thuật, thành phố đặt chỉ tiêu cho năm 2016 cao hơn so với khả năng thực hiện trong thực tế và năm 2016 cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm…

Năm 2017 đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8,5-9%

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 đã được thông qua với tỷ lệ tán thành đạt 84,62%.

Theo đó, năm 2017 khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước được đặt ở mức cao hơn năm 2016, Hà Nội lại bị giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách. Do đó thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển DN, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, thực hiện tốt an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân; Đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; Làm tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị và xây dựng nông thôn mới; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng...

Năm 2017, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 8,5-9%; GRDP bình quân đầu người từ 86 đến 88 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 11-12%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 4-5%; tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo đạt 59,5%. Toàn thành phố tăng thêm 80 trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 82,8%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch khu vực đô thị phấn đấu đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 40%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 98% ở khu vực đô thị và 88% ở khu vực nông thôn. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 22 xã.

Triển khai kế hoạch tổng thể để hồ Tây thực sự là điểm đến hấp dẫn

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ cho biết, cử tri mong muốn thành phố quan tâm bảo đảm vấn đề môi trường hồ Tây để nơi đây thực sự là điểm đến hấp dẫn lâu dài của Hà Nội... 

Trả lời đại biểu về việc thành phố sẽ bố trí ngân sách cải tạo môi trường thế nào, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, sau sự việc liên quan đến việc cá chết ở hồ Tây, UBND thành phố đã mời một số công ty tư vấn trong và ngoài nước khảo sát lại thực trạng ô nhiễm tại các hồ ở Hà Nội. Từ khảo sát của 3 công ty độc lập, để làm sạch hồ Tây, phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn, cần khoảng 170-180 tỷ đồng…

“Muốn biến hồ Tây thành khu du lịch trong tương lai, chúng ta phải có kế hoạch tổng thể. Thành phố đã giao Sở Xây dựng khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND thành phố nói, đồng thời cho biết, Hà Nội sẽ triển khai việc thu gom 8 cửa xả nước thải ở hồ Tây vào nhà máy của Công ty Phú Điền để xử lý và sẽ xây dựng thêm điểm phun nước để tạo điểm nhấn...

Thanh Hải