Những chuyển biến tích cực
Xã hội - Ngày đăng : 06:40, 07/12/2016
Tăng cường xử lý, hiệu quả rõ rệt
Việc thí điểm thanh tra ATTP được triển khai tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã “điểm nóng” về ATTP, với số dân cư lớn (gần 2,2 triệu người) và diện tích quản lý rộng (hơn 422km2), với 3.273 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và 7.545 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Qua 1 năm thực hiện thí điểm, theo Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP TP Hồ Chí Minh, với 15 đoàn thanh tra chuyên ngành đã kiểm tra 1.377 cơ sở thực phẩm, phát hiện 799 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 58%), xử lý 638 cơ sở với số tiền phạt là hơn 2,2 tỷ đồng.
Các lỗi chủ yếu là vi phạm về sử dụng phụ gia, kháng sinh, chất trong danh mục cấm; điều kiện vệ sinh trong sản xuất không bảo đảm; vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, công bố sản phẩm. Phối hợp và hoạt động song song với thanh tra chuyên ngành, các quận, huyện thực hiện thí điểm cũng đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra ATTP thường xuyên tại 3.968 cơ sở, phát hiện 2.163 cơ sở vi phạm, xử phạt 923 cơ sở (tăng hơn 169% so với cùng kỳ) với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng; tổ chức 28 lớp tập huấn ATTP cho hơn 2.000 người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia; tổ chức 56 buổi truyền thông các quy định ATTP với hơn 3.400 người tham gia, cùng với hàng trăm buổi sinh hoạt chuyên đề ở các tuyến với sự tham gia của hàng nghìn người.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, việc thí điểm thanh tra nêu trên đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ngăn chặn thực phẩm không an toàn, giảm số vụ ngộ độc trên địa bàn 5 quận, huyện xuống còn 1 vụ với 26 người mắc, so với 4 vụ và 142 người mắc trong năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong công tác triển khai như nhân sự cho thanh tra chuyên ngành vẫn còn khá mỏng khi chỉ có 114 người được giao nhiệm vụ thí điểm, chịu trách nhiệm hàng nghìn cơ sở thực phẩm trên các địa bàn. Chưa kể đến nhân sự thực hiện thanh tra chuyên ngành còn nhiều hạn chế về chuyên môn, hầu hết không đủ tiêu chuẩn 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý ATTP.
Nhân rộng mô hình
Nhận thấy những ưu - nhược điểm sau thời gian thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đồng thời là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP thành phố cho rằng, để mở rộng và kéo dài thời gian thí điểm trên địa bàn thành phố, cần đặt trọng tâm đến đội ngũ cán bộ, nhân sự chuyên trách. Theo ông Bỉnh, phải tổ chức đào tạo, tập huấn cấp chứng chỉ chuyên môn, kỹ thuật kiểm soát ATTP cho các cán bộ chuyên trách và những nhân sự mới. Đồng thời cần cân bằng mức bồi dưỡng cán bộ là thành viên đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP thay vì phân biệt giữa công chức và viên chức như hiện nay.
Về những biện pháp để tiến tới mở rộng thanh tra chuyên ngành đến tất cả quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, cần xây dựng kế hoạch triển khai mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP, mở các lớp tập huấn, đào tạo nhân sự cho tất cả các quận, huyện và phường, xã nhằm chuẩn bị các điều kiện, không để bị động khi mô hình được triển khai rộng trên địa bàn thành phố. Ông Long cũng cho biết, sau khi tổng kết thí điểm, Cục ATTP sẽ kiến nghị mở rộng mô hình trên toàn địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đồng thời nhân rộng đến các địa phương khác trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngay từ bây giờ phải khởi động công tác nhân rộng trên toàn địa bàn. Ngoài ra, cần phối hợp chương trình với các đơn vị Mặt trận Tổ quốc thành phố và các tổ chức thành viên nhằm tăng cường giám sát thực thi quản lý nhà nước về ATTP. UBND thành phố cũng đã kiến nghị và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ cho phép nhân rộng mô hình trên địa bàn. Điều này cho thấy quyết tâm lớn của thành phố trong công tác bảo đảm ATTP.