Nhận diện đúng giá trị, tránh thương mại hóa

Văn hóa - Ngày đăng : 05:53, 07/12/2016

(HNM) - Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Nét văn hóa dân gian của người VN


Di sản thể hiện nhiều quan điểm tiến bộ

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là hình thức thờ người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, núi rừng. Từ thế kỷ XVI, thờ Mẫu đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội. Di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ hiện phân bố ở nhiều nơi trong vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và TP Hồ Chí Minh. Bà Trần Thị Hoàng Mai (Phó Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) cho biết: Trên thế giới có nhiều nước thờ nữ thần, nhưng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt không những được nhân hóa thông qua việc thờ Mẹ đất, Mẹ rừng, Mẹ nước…, mà còn được địa phương hóa thành những thánh Mẫu có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng. Và dù mang tính bản địa sâu sắc, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn có sự giao thoa, dung nạp các yếu tố của tôn giáo khác, cho nên khi di sản này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau, việc thực hành di sản sẽ góp phần tăng cường đối thoại, tạo ra sợi dây liên kết cộng đồng".

Theo GS Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia), tín ngưỡng thờ Mẫu (đạo Mẫu) có nhiều điểm rất hay và tiến bộ. Đó là việc coi tự nhiên là một người mẹ và tôn thờ (Mẹ mây, Mẹ mưa, Mẹ chớp, Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn…), giúp con người hòa đồng với thiên nhiên. Quan trọng hơn, trong tín ngưỡng thờ Mẫu, chủ nghĩa yêu nước của người Việt đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa khi hầu hết các vị thần mà tín ngưỡng thờ Mẫu tôn thờ là những nhân vật có công với nước được thần thánh hóa. “Điều đó cho thấy tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với cội nguồn dân tộc, thể hiện rõ tinh thần yêu nước của người Việt. Ngay từ rất sớm, người Việt cũng đã ý thức được vấn đề hòa nhập văn hóa, không phân biệt dân tộc vì có nhiều nhân vật được phụng thờ là người dân tộc thiểu số”, GS Ngô Đức Thịnh khẳng định.

Để không bị thương mại hóa

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau khi được UNESCO vinh danh không phải là nỗi lo thiếu đất diễn, thiếu nghệ nhân, thiếu người kế cận như nhiều di sản khác, mà là cách quản lý, thực hành di sản thế nào để nghi lễ hát văn, hầu đồng không bị thương mại hóa, sân khấu hóa hoặc bị lợi dụng để hành nghề mê tín dị đoan.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền (Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) nhận định, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện quan điểm nhất quán về tập tục thờ cúng Mẫu, bao gồm nhiều yếu tố tín ngưỡng, nghi lễ văn hóa truyền thống; còn hát văn, hầu đồng chỉ là một trong những nghi lễ thực hành. Bởi vậy, các ngành, các địa phương và cộng đồng thực hành di sản nên nhấn mạnh tới yếu tố văn hóa đã được trao truyền qua nhiều thế hệ; không nên chỉ ưu tiên quảng bá, tôn vinh nghi lễ hát văn, hầu đồng.

“Giải pháp bảo tồn di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu mà Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia hướng đến là khôi phục những yếu tố lễ hội bị mai một, tiếp tục tư liệu hóa hát văn và các hình thức âm nhạc khác, hoàn thiện danh mục kiểm kê các cơ sở thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu… Mặt khác, Viện sẽ từng bước nghiên cứu, đưa ra biện pháp tích cực nhằm tôn vinh các nghệ nhân hát văn, làm rõ vai trò, chức năng của những thanh đồng trong việc thực hành nghi lễ lên đồng…”, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cho hay. Tương tự, GS Ngô Đức Thịnh khẳng định: “Hiện nay, sự biến tướng trong nghi lễ hầu đồng dần được loại bỏ, nhưng nguy cơ vẫn luôn tiềm ẩn. Do đó, chúng ta cần có lực lượng quản lý, nghiên cứu có thể định hướng cho người dân nhận thức đúng, thực hành đúng nghi lễ đặc biệt này”.

Là người trực tiếp thực hành nghi lễ, thanh đồng Nguyễn Tuấn Lâm (trụ trì Kim Giang Linh Từ, số 122 đường Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội) khẳng định, nghi lễ hầu đồng cổ truyền đóng vai trò trung tâm trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thể hiện rõ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của người Việt. Những tín đồ, đệ tử của tín ngưỡng thờ Mẫu khi hành lễ nên “Tâm - Thiện - Nhân”, hướng tới những điều tốt đẹp. Các thanh đồng, đệ tử chỉ nên hầu đồng tại các đền, phủ, am, miếu, điện thờ chính thống hoặc các điểm phối thờ; không nên tổ chức hầu đồng ở các đền, phủ không thờ các vị thánh thần trong hàng Tam, Tứ phủ. Thanh đồng khi hầu đồng phải trang nghiêm, phán truyền phải cầu cho quốc thái, dân an, trăm họ thái bình, an khang, thịnh vượng; tuyệt đối không phán truyền những điều phản cảm.

Qua đó có thể thấy, muốn bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đúng hướng, tất yếu cần có sự nhận diện đúng giá trị của di sản.

Hà Hiền