Bài 11: Lực lượng công nhân lao động đi đầu trên mọi mặt trận

Chính trị - Ngày đăng : 06:46, 08/12/2016

(HNM) - Quá trình hình thành, phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc.


Đêm 19-12-1946, quân và dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Các đội tự vệ với hơn 70% quân số là công nhân, được thành lập ở khắp các nhà máy, xí nghiệp đã chiến đấu dũng cảm, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của lính Pháp. Tiêu biểu như công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy sửa chữa ô tô Aviat, tự vệ công nhân đường sắt Hà Nội… Các đội tự vệ còn phối hợp với nhân dân lập các chiến lũy, chiếm lĩnh các vị trí then chốt và sẵn sàng quyết tử để cản bước tiến của địch. Tuy lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, thiếu thốn, nhưng quân và dân ta vẫn anh dũng chiến đấu tạo nên các chiến công vang dội ở nhà Sôva, chợ Đồng Xuân, Sở Bưu điện, Giảng Võ - Ô Chợ Dừa và các cuộc chiến đấu trên đường phố Cầu Gỗ, Hàng Nón, Hàng Thiếc, Hàng Lược… và đã kìm chân địch 60 ngày trong thành phố.

Tại các địa phương khác, lực lượng tự vệ công nhân phối hợp với các đơn vị vũ trang chủ động tiến công tiêu diệt địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Ở các thành phố như Nam Định, Hòn Gai, tự vệ công nhân phối hợp với lực lượng vũ trang bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch và tiến công các địa điểm quan trọng của chúng, phá hủy kho tàng và vũ khí, tài liệu quan trọng. Ở Trung Bộ, công nhân lao động đã đóng vai trò quan trọng, góp phần đáng kể vào các trận đánh quân Pháp ở Huế, Đà Nẵng...

Tại các vùng tạm chiếm ở Nam Bộ, anh em công nhân phối hợp với các lực lượng vũ trang đẩy mạnh các hoạt động đòi quyền dân sinh, dân chủ… Ở Sài Gòn, hơn 6.000 công nhân, công chức làm việc trong các nhà máy, các ngành kỹ nghệ quan trọng của địch đã bỏ việc, ra chiến khu tham gia kháng chiến. Các hoạt động này buộc thực dân Pháp phải tập trung một lực lượng lớn để bảo vệ vùng chiếm đóng, đồng thời không thể huy động lực lượng chi viện cho mặt trận Bắc Bộ.

Trước khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, Trung ương Đảng chủ trương tổng di chuyển máy móc, vật tư, trang thiết bị ra vùng căn cứ địa, thiết lập cơ sở sản xuất phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài. Lực lượng công nhân, lao động trong các thành phố, đô thị và các khu công nghiệp đóng vai trò chủ lực trong công tác này. Không có phương tiện cơ giới, công nhân phải dùng sức người (gánh, vác) và các phương tiện thô sơ (xe trâu, xe ngựa, thuyền, bè…) để vận chuyển hàng chục vạn tấn máy móc và vật liệu cồng kềnh trên những tuyến đường hàng trăm kilômét, trong điều kiện máy bay địch oanh tạc, bắn phá.

Ngay từ những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, trên 3.230 công nhân ở nhiều địa phương và các ngành đã tham gia vận chuyển 733 chiếc máy với trọng lượng lên tới 6.714 tấn, vượt qua các ngả đường hiểm trở, quanh co dài 7.768km; và đã có 37 công nhân hy sinh để bảo đảm cho việc vận chuyển thắng lợi. Từ cuối tháng 12-1946 và những tháng đầu năm 1947, Ngành Quân giới Việt Nam đã di chuyển được một khối lượng khá lớn khoảng 40.000 tấn máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu từ trong các đô thị về nông thôn, lên rừng núi với quãng đường khoảng từ 50 đến 350km. Đến tháng 4-1947, cuộc di chuyển của hầu hết các xưởng phía Bắc thuộc các khu 1, 10, 12, 3, 4, 5 đã hoàn thành và trên 50% số xưởng đã bước vào sản xuất. Cùng với đó, công nhân còn tham gia vận chuyển, bảo vệ chu đáo nhiều tài sản của Chính phủ và của các địa phương như kho bạc, thiết bị, tài liệu y khoa, nhà in, Đài Tiếng nói Việt Nam; tham gia vận chuyển thóc gạo, muối lên chiến khu Việt Bắc…

Thực hiện mệnh lệnh “Tiêu thổ để kháng chiến”, “Phá sao cho bọn Pháp không lợi dụng được”, cùng với tháo dỡ, vận chuyển máy móc lên chiến khu, công nhân Việt Nam đã làm tê liệt nhiều cơ sở kinh tế của địch, phá sập cầu cống, hầm lò, đường giao thông… Công nhân các mỏ Mạo Khê, Uông Bí, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bản Thí… đánh sập hầm lò, tháo gỡ máy móc. Công nhân Quảng Yên phá xưởng đúc, công nhân Ga Đông Anh, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Trường Thi phá đầu máy xe lửa và thiết bị toa xe. Công nhân Yên Bái, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định… phá nhiều công xưởng, nhà máy của tư bản Pháp và tư sản bản xứ.

Trong nửa năm đầu kháng chiến toàn quốc, giai cấp công nhân đã phá hỏng 1.536km đường sắt, 7.455m cầu cống các loại, 84 đầu máy và 868 toa xe lửa, 9.100 ngôi nhà, 5.840km đường ô tô… Riêng các tỉnh Bắc Bộ chỉ sau 5 ngày đầu kháng chiến, phần lớn hầm lò bị phá hủy và máy móc đã không để rơi vào tay địch. Công cuộc thực hiện tiêu thổ kháng chiến đã ngăn việc tiếp tế, thông tin liên lạc của thực dân Pháp, khiến chúng không thể tận dụng vật lực của ta để chống lại kháng chiến. Các đồn điền, các cơ sở chế biến đều bị phá hủy, nhiều cánh rừng cao su bị đốt trụi.

Thực hiện đường lối “Kháng chiến, kiến quốc”, công nhân ở các vùng tự do, nơi chưa có chiến sự lan đến vẫn tiếp tục sản xuất các mặt hàng tiêu dùng cần thiết, các nhu yếu phẩm, tăng gia làm ra lương thực, chuẩn bị cơ sở vật chất để đón đồng bào tản cư. Ở các tỉnh Bắc Bộ đã tổ chức được 181 trại sản xuất, thu hút 58.000 người tham gia. Ở các tỉnh Trung Bộ đã tổ chức được 42 trại sản xuất, với 11.302 người tham gia. Đến cuối năm 1947, nhiều cơ sở công nghiệp đã được xây dựng và đi vào hoạt động, sản xuất được nhiều loại vũ khí phục vụ cho chiến đấu.

Như vậy, với số lượng khoảng 100.000 người ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; 20.000 người trong các đồn điền và một số lượng không nhỏ tại các đô thị ở Nam Bộ, giai cấp công nhân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ di chuyển phương tiện, máy móc phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ, tiến hành công tác tiêu thổ kháng chiến, nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc sống và trực tiếp cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược. Những hoạt động đó đã góp phần cùng cả nước chủ động bước vào cuộc kháng chiến. Để có được thành tích ấy, giai cấp công nhân Việt Nam đã nêu cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, nhiều người đã anh dũng ngã xuống trong chiến đấu và lao động sản xuất, hy sinh thân mình vì độc lập tự do cho dân tộc.

70 năm đã qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Cả nước đã và đang bước đi trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong quá trình ấy, giai cấp công nhân Việt Nam luôn là lực lượng đi đầu, đóng vai trò nòng cốt, trung thành với Đảng, đồng hành cùng dân tộc.

(Còn nữa)


TS Nguyễn Văn Ngàng
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam