Gian nan chống hàng giả, hàng nhái
Kinh tế - Ngày đăng : 07:08, 09/12/2016
Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động công khai khi phát hiện hàng giả, dù đó là quyền lợi của họ. |
Muôn hình vạn trạng hàng giả, hàng nhái
Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 10 tháng qua, đơn vị này đã thực hiện kiểm tra chuyên ngành gần 4.800 vụ và phát hiện gần 4.424 vụ vi phạm. QLTT TP Hồ Chí Minh cũng đã tiêu hủy hàng hóa không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường với trị giá lên đến hơn 24 tỷ đồng. Đáng lưu ý, các hành vi vi phạm về nhập lậu, hàng cấm, hàng giả và sở hữu trí tuệ chiếm tỷ lệ lớn. Qua kiểm tra các trung tâm thương mại, chợ và cửa hàng trên đường phố, QLTT đã phát hiện 567 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; tạm giữ hơn 99.000kg, gần 300 lít và gần 362.000 đơn vị sản phẩm các mặt hàng tiêu dùng. Về hàng nhập lậu, đã kiểm tra phát hiện gần 1.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, kho hàng buôn bán chứa trữ hàng nhập lậu, hàng không có chứng từ hóa đơn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tạm giữ hơn 390.000kg, gần 13.000 lít và gần 1,6 triệu đơn vị sản phẩm các mặt hàng điện thoại di động, giày dép, mỹ phẩm, phụ tùng xe máy, mũ bảo hiểm, quần áo, thiết bị điện các loại,… Về thực phẩm, đã kiểm tra hơn 600 công ty, cửa hàng, hộ kinh doanh, cơ sở chế biến, phát hiện 530 vụ vi phạm với rất nhiều hàng hóa quá hạn sử dụng và không có hóa đơn chứng từ…
Theo QLTT TP Hồ Chí Minh, thời điểm gần Tết, hàng giả, hàng nhái sẽ gia tăng do nhu cầu tăng cao nên đơn vị sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Ngày 29-11 vừa qua, Đội QLTT Củ Chi kiểm tra một cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo ở đường số 20, ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, phát hiện đến gần 6.000kg thành phẩm đã hết hạn sử dụng; gần 2.700kg nguyên liệu không nhãn mác các mặt hàng rất được ưa chuộng ngày Tết như kẹo me, ô mai, các loại mứt,… Thời điểm kiểm tra, cơ sở này đã không xuất trình được bất cứ giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và không bảo đảm vệ sinh.
Khó khăn trăm bề
Tại hội thảo “Giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) nhận định, dù công tác chống hàng giả có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn chưa đủ với thực tế đang diễn ra. Theo thống kê, đến tháng 10 cả nước đã xử lý được 172.000 vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách 13.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Riêng về hàng giả đã xử lý được 2.000 vụ, phạt hành chính 58 tỷ đồng.
Trên thực tế hiện nay có tình trạng chấp nhận “sống chung với hàng giả”. Trừ trường hợp có người cố tình bán hàng giả với giá hàng thật, nhiều người bán hiện nay đưa ra 2 sản phẩm thật - giả với mức giá chênh lệch rất cao và một số người tiêu dùng đã chấp nhận mua hàng giả, hàng nhái vì giá quá rẻ. Vì vậy, công tác chống hàng giả, hàng nhái đã vô cùng khó khăn thì lại càng gian nan hơn khi người tiêu dùng cũng… tiếp tay cho các mặt hàng này phát triển. Hầu hết các chợ trên địa bàn từ chợ có quy mô lớn cho đến các chợ lề đường, không thiếu bất kỳ nhãn hiệu nổi tiếng nào trên thế giới từ mỹ phẩm cho đến quần áo giày dép túi xách. Thậm chí, tại một số trung tâm mua sắm cũng xuất hiện khá nhiều hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh sự vô tư của người tiêu dùng, một số doanh nghiệp còn ngại… chống hàng giả bởi sợ khi công bố có hàng giả sẽ khiến người tiêu dùng e dè và sẽ bị sụt giảm doanh số. Mặt khác, nếu công bố các đặc điểm của hàng thật - giả thì sợ bị những người làm hàng giả nắm được đặc điểm hàng hóa để làm giả tiếp. Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Bình Dương, một số vụ việc khi QLTT bắt được hàng giả xử lý rất khó vì doanh nghiệp sản xuất hàng thật không phối hợp. Vì vậy, ông Danh đề xuất nên có chế tài, buộc doanh nghiệp chủ sở hữu ngoài quyền còn phải có trách nhiệm trong việc chống hàng giả. Ngoài ra, ông Danh cũng cho rằng, công tác chống hàng giả, hàng nhái còn khó khăn vì các văn bản pháp luật điều chỉnh hành vi này vẫn còn một số bất cập cần điều chỉnh.