Gỡ điểm nghẽn trong giám định tư pháp
Đời sống - Ngày đăng : 06:42, 10/12/2016
Còn đùn đẩy, né tránh
Gần 6 năm qua là thời gian có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động của GĐTP với đội ngũ giám định viên trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, môi trường, tài nguyên… ngày càng phát triển, góp phần đáng kể vào giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, hiện nay tổng số giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực là 6.154 người, tăng thêm 3.693 người, gấp hơn hai lần so với trước khi thực hiện đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11-2-2010 (Đề án 258). Số người GĐTP theo vụ việc được lựa chọn, công bố là 1.630 người, tăng 1.393 người, gấp hơn 6 lần so với trước khi thực hiện Đề án 258. Đáng lưu ý, các bộ chủ quản đều có đầu mối tiếp nhận trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu GĐTP phục vụ giải quyết các vụ án nói chung, án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Ở địa phương, đã có 58/63 Trung tâm Pháp y được thành lập theo quy định của Luật GĐTP. Đặc biệt, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động GĐTP, hiện đã có một văn phòng GĐTP được UBND TP Hồ Chí Minh cấp phép thành lập, chuyên thực hiện giám định ở lĩnh vực tài chính - kế toán phục vụ cho hoạt động tố tụng.
Có được điều đó là bởi các chế độ, chính sách đối với người làm GĐTP đã được điều chỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh tội phạm gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng với những thủ đoạn tinh vi có chiều hướng gia tăng, các vụ việc tranh chấp dân sự cũng xuất hiện ngày càng nhiều, công tác GĐTP cũng đã bộc lộ những vướng mắc, tồn tại. Một trong những khó khăn đầu tiên là việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn các quy định của pháp luật về tố tụng, trưng cầu giám định; việc đánh giá, sử dụng kết quả giám định chưa được áp dụng thống nhất trong hoạt động tố tụng ở các cấp. Vì vậy, trong một số trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong đánh giá sử dụng kết luận giám định. Báo cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng còn cho thấy, dù nhân lực đã được cải thiện, song tình trạng thiếu hụt người làm giám định trong các lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, nhất là ở địa phương, vẫn chưa được khắc phục cơ bản. Cá biệt, vẫn còn giám định viên đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giám định. Thời gian thực hiện giám định một số vụ việc kéo dài.
Tiếp tục đổi mới toàn diện
Công tác GĐTP cung cấp tài liệu, chứng cứ khách quan cho các cơ quan tiến hành tố tụng nên theo luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn luật sư Hà Nội), việc tháo gỡ các "nút thắt" trong GĐTP cần tiến hành thường xuyên liên tục.
Nhiệm vụ đặt ra đầu tiên là xây dựng cơ chế thông tin rõ ràng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với tư cách là một bên trong hoạt động GĐTP với các bộ, ngành chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về GĐTP và các cơ quan, tổ chức thực hiện giám định... Việc phối hợp, nhất là giữa UBND cấp huyện với các cơ quan tố tụng cấp huyện, bệnh viện đa khoa cấp huyện trong công tác GĐTP cũng phải thật cụ thể. Về lâu dài, nên có quy định về thời hạn giám định trong từng lĩnh vực. Chẳng hạn, đối với nội dung giám định đơn giản thì 15 ngày, phức tạp thì 1-3 tháng, có thể gia hạn nhưng không quá 6 tháng. Có như vậy giám định viên tích cực làm việc hơn và người quản lý sẽ dựa vào đó để có cơ chế quản lý, chế tài phù hợp, tránh trường hợp có những vụ án phải tạm đình chỉ, chờ kết quả giám định trong thời gian dài, thậm chí tới hàng năm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt là với các vụ án tham nhũng đang được dư luận và Nhà nước quan tâm.
Để đẩy mạnh chất lượng GĐTP, cũng cần bổ sung tăng cường máy móc hiện đại. Bởi hiện nay hoạt động giám định kỹ thuật hình sự, về cơ bản đã đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng, nhưng riêng giám định kỹ thuật số và điện tử thì chưa theo kịp với sự phát triển của khoa học - công nghệ và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm...