"Đôi chân" khỏe trên đường dài

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:42, 11/12/2016

(HNM) - Không thể phủ nhận những tín hiệu rất tích cực của xuất khẩu rau quả nước ta trong 11 tháng của năm 2016 dưới phân tích của các chuyên gia kinh tế và cả sự phản hồi của người tiêu dùng nước ngoài.

(HNM) - Không thể phủ nhận những tín hiệu rất tích cực của xuất khẩu rau quả nước ta trong 11 tháng của năm 2016 dưới phân tích của các chuyên gia kinh tế và cả sự phản hồi của người tiêu dùng nước ngoài. Trong đó, ngành hàng trái cây đóng góp đến 80% vào sự gia tăng mạnh mẽ này, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu rau quả lần đầu tiên vượt cả "mũi nhọn" lâu nay là gạo. Thị trường xuất khẩu, chủng loại trái cây không những được mở rộng mà còn vươn tới những khu vực tiêu thụ nổi tiếng chuẩn mực của thế giới; chưa kể số lượng hoa quả của ta đưa vào các thị trường khó tính, nghiêm ngặt cũng tăng gấp đôi so với năm 2015.

Đây thực sự là những thông tin giúp nhận diện hướng đi đúng trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây nói riêng cũng như xuất khẩu nông sản, phát triển nông nghiệp nói chung. Cũng từ bước tiến có tính đột phá này càng cần nhìn nhận một cách hệ thống hơn về những hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu trái cây, từ đó nhanh chóng khắc phục, từ đó đón bắt thời cơ phát triển mạnh hơn mặt hàng này như dự báo của các chuyên gia - có thể nâng kim ngạch xuất khẩu trái cây lên 5 tỷ USD/năm thay vì chỉ 2,5 tỷ USD như năm 2016.

Để tiến đến điểm đích xa hơn ấy, dễ nhận thấy có hai yếu tố đặc biệt quan trọng cần tập trung xây dựng: Chất lượng và thương hiệu trái cây xuất khẩu.

Ở tầm quốc gia, thông qua các bộ, ngành liên quan… cơ quan quản lý nhà nước phải thể hiện vai trò kiến tạo nhằm giải phóng năng lượng trong hoạt động này. Như khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, nghèo về vốn, công nghệ, trước mắt bằng cách tập trung vào quy hoạch 12 loại trái cây xuất khẩu, hình thành vùng sản xuất lớn đã phê duyệt. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của chính sách, hoạt động ngoại giao, văn hóa góp phần mở đường đưa trái cây Việt Nam tới các khu vực tiềm năng. Cũng nên có cơ chế tập hợp các nhà khoa học nước nhà để sẵn sàng hỗ trợ, tham gia cùng các doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, chế biến…

Chính quyền địa phương nơi có vùng sản xuất trái cây phải tham gia công cuộc kiến tạo này bằng nhận thức nhất quán, bằng thái độ và những chính sách linh hoạt về vốn, đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào trái cây thế mạnh của vùng, chủ động kết nối với các vùng khác.

Đáng nói, thương hiệu doanh nghiệp không chỉ được xây dựng trên thế mạnh chất lượng sản phẩm riêng có mà quan trọng là ở phương thức sản xuất sản phẩm đó. Cụ thể ở đây là cách thức ứng xử với trái cây từ đóng gói, bảo quản, nhãn mác… chứ không chỉ là kỹ thuật vun trồng. Chính vì thế, mỗi doanh nghiệp và từng nông dân, công nhân tham gia chuỗi sản xuất này không thể làm ăn theo kiểu “tham bát bỏ mâm”, chỉ vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua các tiêu chuẩn kỹ thuật, dù là nhỏ nhất. Muốn đi xa, phải quan tâm xây dựng môi trường lao động tốt, văn hóa sản xuất cao, tất cả vì lợi ích lâu dài.

Ra biển lớn luôn luôn không thiếu cơ hội nhưng ngược lại cũng sẵn sóng gió. Do đó, phải luôn luôn chú trọng sự gắn bó chặt chẽ giữa chất lượng và thương hiệu, đặc biệt là triển khai một cách hiệu quả tinh thần của “đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” như Nghị quyết số 05-NQ/TƯ tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu. Đây vừa là điều kiện "cần" vừa là điều kiện "đủ", là "đôi chân" khỏe giúp cho bước đi nhanh và vững chắc trên con đường dài xuất khẩu trái cây nói riêng và tái cơ cấu nông nghiệp nói chung.

Hà An