Xử lý văn bản trái luật: Phải rõ trách nhiệm bộ phận tham mưu ban hành
Đời sống - Ngày đăng : 06:57, 11/12/2016
Những văn bản “trên trời”
Đánh giá về thực trạng văn bản trái luật, văn bản không phù hợp, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, một số chủ trương, chính sách tốt đẹp, thông thoáng của Đảng và Nhà nước chưa được hiện thực hóa. Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, chủ trương, chính sách của Đảng và hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước như những tấm “thảm nhung” mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kinh tế nhưng trong quá trình triển khai, ở một số ngành, địa phương, có chuyện cố tình trục lợi bằng những giấy phép con.
Dẫn chứng về thực trạng này, ông Lê Hồng Sơn nêu: Cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành 2 quyết định (4088/2015/ QĐ-UBND và 3625/QĐ-UBND) đặt ra một loạt điều kiện, tiêu chí đối với các tàu thuyền du lịch trên vịnh Hạ Long - Bái Tử Long. Những quy định này cũng gây khó cho các doanh nghiệp hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn; vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phòng cháy chữa cháy, Bộ luật Dân sự về thẩm quyền điều kiện kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, niên hạn sử dụng phương tiện thủy… và đã bị Bộ Tư pháp nhắc nhở.
Quy định đổi giấy phép lái xe mới của Bộ Giao thông - Vận tải bằng vật liệu PET đã gây rất nhiều phiền phức đối với người dân.Ảnh: Chí Tuệ |
Mới đây nhất, Bộ Tư pháp “tuýt còi” các sai phạm tại Thông tư 58/2015/TT-BGTVT do Bộ Giao thông - Vận tải ban hành ngày 20-10-2015. Tại Điều 57 của thông tư này, quy định giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET theo lộ trình như sau: Giấy phép lái xe ô tô và giấy phép lái xe hạng A4 trước ngày 31-12-2016; giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) trước ngày 31-12-2020.
Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi này, người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại giấy phép lái xe. Bộ Tư pháp cho rằng, đối chiếu với các quy định hiện hành, nội dung nêu trên của Thông tư 58 không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp và đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải bãi bỏ ngay (nội dung trái pháp luật tại Điều 57), đồng thời xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản.
Cần bổ sung chế tài xử lý
Ủng hộ động thái quyết liệt của Bộ Tư pháp, song dư luận cho rằng việc “tuýt còi” một văn bản vi phạm pháp luật như trên của Bộ Tư pháp có phần chậm trễ. Cả nước hiện có hơn 30 triệu giấy phép lái xe ô tô và xe máy và kể từ khi văn bản nói trên của Bộ Giao thông - Vận tải ra đời, đến nay đã có hơn một nửa số giấy phép lái xe đổi sang thẻ nhựa theo tinh thần của Điều 57. Với mức lệ phí cấp giấy phép lái xe cơ giới công nghệ mới (bao gồm cả cấp mới và cấp lại) là 135.000 đồng/lần, người dân đã phải bỏ ra số tiền không nhỏ cho việc chuyển đổi, lại mất thời gian không đáng có do quy định nói trên gây ra.
Đến nay, việc xử lý mới dừng ở mức "chữa cháy" theo hướng bãi bỏ chế tài quy định buộc sát hạch lại lý thuyết đối với những người không đi đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET theo lộ trình. Dự kiến, Thông tư 58 sửa đổi sẽ được ban hành trong tháng 12 này. Còn việc xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến việc ban hành thông tư này chưa được Bộ Giao thông - Vận tải đề cập. Nhìn rộng ra, thực trạng chậm xử lý cán bộ tham mưu ban hành văn bản trái luật hoặc mới dừng ở mức cắt thi đua… là khá phổ biến.
Trong khi đó, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước không xác lập cụ thể trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật có sai sót, thậm chí trái luật. Để xảy ra tình trạng nêu trên, một phần nguyên nhân là do cơ chế hậu kiểm. Thẩm quyền của Bộ Tư pháp chủ yếu là tham mưu, thông báo kiến nghị, không có quyền trực tiếp xử lý cán bộ, công chức, hủy bỏ, bãi bỏ văn bản. Đây là những vấn đề cần phân tích kỹ, tiến tới bổ sung chế tài ngăn chặn hiện tượng giấy phép con và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cá nhân công chức khi ban hành văn bản pháp luật có sai sót hoặc trái luật.