Bài 13: Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng ở mặt trận Hà Nội (kỳ 2)
Chính trị - Ngày đăng : 06:27, 11/12/2016
2. Sau đợt chiến đấu ban đầu, Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội điều chỉnh lại lực lượng để thực hiện thế trận “trùng độc chiến”. Với lực lượng nòng cốt là Tiểu đoàn Vệ quốc đoàn 101 cùng các lực lượng tự vệ Liên khu 1, tuy phải co về giữ khu vực trung tâm, cố thủ, củng cố lực lượng để chiến đấu dài ngày nhưng ta vẫn thường xuyên tổ chức lực lượng tập kích bất ngờ vào những vị trí xung yếu của địch. Trong khi đó, ở bên ngoài Liên khu 2, Liên khu 3 đánh ép vào, buộc chúng phải phân tán lực lượng; đồng thời bố trí lại lực lượng để đánh địch tiến công theo các trục đường qua các cửa ô. Các liên khu đều bố trí lực lượng hình thành nhiều khu vực, mỗi khu vực có nhiều ổ đề kháng, dựng chiến lũy, chướng ngại vật cùng với chiến thuật “cài then cửa” để ngăn chặn, làm giảm tốc độ cơ động tiến công của quân Pháp.
Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra trên mọi góc phố, trên từng đường phố. Tại các cửa ô, đều tổ chức một lực lượng dự bị thích hợp để sẵn sàng kết hợp cùng lực lượng phòng ngự đánh địch; các đội cảm tử ban đầu chuyên đánh xe tăng địch bằng bom ba càng nhưng sau này theo lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội nghiên cứu ra nhiều cách đánh xe tăng mới như dùng bom xăng, lựu đạn, mìn để tiêu diệt xe tăng nhằm hạn chế thương vong của ta; các tổ du kích đặc biệt bố trí ở các điểm bất ngờ, kiểm soát các ngã ba, ngã tư trọng yếu, chuyên làm nhiệm vụ nghi binh, quấy rối, bắn tỉa và cơ động phục kích… Liên khu 3 tổ chức các đơn vị Vệ quốc đoàn thành từng đại đội, trung đội, ban đêm luồn sâu vào thành phố phối hợp với tự vệ đánh địch trừ gian. Vì thế quân Pháp càng thêm lúng túng, bị động đối phó.
Để tăng cường lực lượng và sức mạnh chiến đấu, sau 5 ngày chiến đấu, Bộ Tổng chỉ huy ra quyết định sáp nhập Khu XI vào với Khu II, mặt trận Hà Nội trở thành tiền phương của Khu II. Từ đây, mặt trận Hà Nội có một hậu phương rộng rãi, có thêm lực lượng tiếp ứng từ các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Hà Nam. Các lực lượng vũ trang nhân dân của các tỉnh, các đơn vị chủ lực của khu luân phiên nhau vào tham gia chiến đấu ở các cửa ô Hà Nội.
Bước sang những ngày đầu năm 1947, trước sự chiến đấu quyết liệt, anh dũng của quân và dân ta tại Hà Nội và trên các chiến trường cả nước, quân Pháp ngày càng lúng túng và bị động, chúng liên tục yêu cầu tăng viện. Địch ở Hà Nội cũng nôn nóng mong chờ tăng viện từ Pháp sang. Chính trong thời điểm này, khả năng giam chân địch lâu ngày ở Hà Nội lại thể hiện rõ ràng nhất. Mặt trận Hà Nội đã nhanh chóng sắp xếp lại lực lượng, tổ chức lại chỉ huy chiến đấu cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Tại Liên khu 1 đã thống nhất các lực lượng Vệ quốc đoàn, Công an xung phong, tự vệ để thành lập Trung đoàn Liên khu 1. Lực lượng Vệ quốc đoàn chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội lúc này cũng đã tăng lên 7 tiểu đoàn. Với thế trận mới, các lực lượng vũ trang (LLVT) Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, chặn đánh các đợt tiến công của quân Pháp, giam chân chúng trong thành phố.
Ngoài tổ chức, sử dụng lực lượng chiến đấu, một trong những thành công quan trọng nữa là công tác tổ chức lực lượng tiếp tế, cứu thương, chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho các lực lượng chiến đấu trong điều kiện hết sức khó khăn, ác liệt. Trong khi đất nước và Thủ đô vừa trải qua nạn đói, chính quyền Thủ đô còn non trẻ, kinh phí cho LLVT rất hạn chế, Thành ủy và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội đã có bước chỉ đạo chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men và tổ chức cất giấu ở những nơi bí mật. Nhiều gia đình đã tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm, thuốc men, tiền, vàng ủng hộ bộ đội...
Cùng với lực lượng do Thành ủy, Ủy ban Kháng chiến và Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội tổ chức còn có các đội tải thương, tiếp tế do chị em phụ nữ đảm nhiệm. Các liên khu đều tổ chức được các trạm cứu thương, trạm thu dung. Một bệnh xá 50 giường đã được triển khai ở phố Hàng Buồm. Các bệnh viện dân y thì chuyển về Văn Điển, Cự Đà, Khúc Thủy dựa vào nhà dân để chuẩn bị tiếp nhận thương binh từ nội thành ra. Để bảo đảm vũ khí, ngoài các xưởng đã có của Cục Quân giới, mặt trận Hà Nội còn huy động các đoàn thể, doanh nghiệp tư nhân thành lập các xưởng quân giới như xưởng Hoàng Văn Thụ của Tổng bộ Việt Minh chế tạo lựu đạn và súng Sten; xưởng Tương Lai chế tạo bom ba càng; Công ty vũ khí Phan Đình Phùng (có nhân dân góp vốn) chế tạo lựu đạn và sửa chữa vũ khí cho tự vệ; Công ty cơ khí Cao Thắng của tư nhân sản xuất phần cơ khí và vỏ lựu đạn cho các xưởng quân giới…
Cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Hà Nội trong 60 ngày đêm giam chân địch đã giành được thắng lợi vẻ vang. Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, Thành ủy, Ủy ban Kháng chiến và Đảng ủy, Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội đã phát huy tốt sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, các lực lượng tham gia kháng chiến. Các lực lượng này cùng với Vệ quốc đoàn và LLVT Thủ đô tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại các cuộc tiến công của quân địch, kìm hãm, giam chân địch ở chiến trường Hà Nội, tạo điều kiện cho các chiến trường khác trên cả nước triển khai thế trận đánh địch, bảo vệ các đô thị, các trung tâm chỉ huy kháng chiến của các tỉnh, thành để chuẩn bị cho cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới trường kỳ.
Để làm nên chiến thắng của quân và dân Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến có một nhân tố rất quan trọng, đó là sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện thành công nghệ thuật về tổ chức và sử dụng lực lượng tác chiến ở thành phố. Khi đó, lực lượng ta ít, chưa được huấn luyện cơ bản, kinh nghiệm chiến đấu chưa có, vũ khí, trang bị thô sơ… Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội nhanh chóng bồi dưỡng, huấn luyện và tổ chức, sử dụng hợp lý, phù hợp với khả năng từng đối tượng nên đã nhanh chóng phát huy được sức mạnh của từng lực lượng, phối hợp chiến đấu chặt chẽ cùng Vệ quốc đoàn và LLVT Thủ đô giữ vững được các mục tiêu trọng yếu, kìm giữ quân địch trong 60 ngày đêm, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho quân và dân Thủ đô.
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng ở mặt trận Hà Nội và thực tiễn những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô Hà Nội cho thấy giá trị sâu sắc của bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và huy động sức dân - một bài học đã và mãi là nguồn cội tạo nên thành công trong giải quyết những công việc to lớn, khó khăn.